Bộ trưởng Đinh La Thăng nói lý do cổ phần hóa nhanh các DNNN

Trong năm nay và trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp nhà nước còn lại.

Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Doanh nghiệp tôm lãi lớn, cá tra đồng loạt báo lỗ

Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?

Trường Hải ô tô "bất ngờ" bị dừng gia hạn thuế sau khi Huyndai rút hợp tác

Chính phủ thúc tiến độ 2 dự án bauxite tại Tây Nguyên

“Chính phủ xác định tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là cổ phần hóa cho được 432 DN như kế hoạch đề ra trong 2 năm 2014 - 2015, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN diễn ra ngày 18/2 vừa qua.

Theo đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao tiến trình cổ phần hóa tại Bộ Giao thông Vận tải và ghi nhận vai trò của người đứng đầu – Bộ trưởng Đinh La Thăng có ý nghĩa quyết định.

Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt của ngành để thực hiện chủ trương này, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp chính là thúc đẩy sức mạnh nội lực và tạo nền tảng để phát triển kinh tế đất nước.

Phóng viên phỏng vấn Bộ GTVT Đinh La Thăng về nội dung này.

Huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động sản xuất kinh doanh

Thưa Bộ trưởng, giải pháp trọng tâm khi cổ phần hóa là sẽ có sự giám sát của các cổ đông và nhà nước chỉ tập chung quản lý, tạo các thể chế chính sách cho các doanh nghiệp. Bộ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này và các bước triển khai cụ thể của ngành Giao thông Vận tải?

Có thể nói, mục tiêu cổ phần hóa không chỉ thuần túy có sự giám sát của các cổ đông, mà cổ phần hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cổ phần hóa (CPH) cũng như thay đổi bản chất của công tác quản lý, chuyển từ DNNN thành công ty cổ phần. Một nội dung rất quan trọng chính là khi thực hiện cổ phần hóa, có sự giám sát hết sức chặt chẽ của các cổ đông. Bởi vì cổ đông có tiền và quyền lợi gắn với doanh nghiệp, họ sẽ thực hiện giám sát.

Chính vì xác định như vậy, Bộ GTVT có sự chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa, toàn bộ đơn vị các DNNN mà nhà nước không cần giữ cổ phần cũng như không cần giữ cổ phần chi phối để nhằm đạt mục tiêu như tôi vừa đưa ra.
 
Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn các bước đi của ngành Giao thông Vận tải trong năm 2014-2015?

Để tập trung vào công tác quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần phải tham gia xây dựng các thể chế chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp GTVT. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã xác định lộ trình phải thực hiện tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm chính là cổ phần hóa. Trong năm nay và trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp nhà nước còn lại. Kể cả doanh nghiệp chúng tôi xác định là hết sức khó khăn, như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tông Công ty Hàng hải Việt Nam.

Chúng tôi đã xác định cổ phần hóa là chủ trương của Đảng, Chính phủ và Nhà nước. Đó là con đường tất yếu, duy nhất thì buộc là phải đi, không có lựa chọn nào khác.

Chúng ta phải xác định được lộ trình cũng như các giải pháp quyết tâm cao nhất, để đảm bảo mục tiêu đề ra. Và đến hết năm 2015, ngoài 3 DNNN mà nhà nước phải giữ cổ phần 100% là Tổng Công ty đảm bảo bay, Tổng công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc, Tông công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam. Còn lại là sẽ thực hiện cổ phần hóa, trong đó riêng Tổng công ty đường Sắt sẽ thực hiện tách quản lý về cơ sở hạ tầng do nhà nước giữ…

Phải chọn được nhà đầu tư chiến lược

Đối với việc tìm cổ đông chiến lược để bán ra công chúng thì Bộ GTVT đã có kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Đối với các DN của ngành Giao thông, những người không theo dõi từ đầu, không theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh sẽ thấy không hấp dẫn. Nhưng đối với nhà đầu tư chiến lược, khi người ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy rằng, có thể hiện tại doanh nghiệp chưa hấp dẫn nhưng xét về tiềm lực tiềm năng của thị trường trong thời gian tới, họ sẽ đầu tư.

Chính vì vậy, chúng tôi xác định, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công cổ phần hóa IPO (chào bán ra công chúng) là phải chọn được nhà đầu tư chiến lược. Lúc chọn được nhà đầu tư chiến lược, người ta sẽ xác định là mua bao nhiều phần trăm cổ phần, khi thực hiện IPO chắc chắn sẽ thành công.

Tiêu chí để chọn cổ đông chiến lược và nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, những nhà đầu tư thực sự quan tâm phát triển lâu dài đối với các doanh nghiệp này. Họ có KHCN, thị trường, kinh nghiệm chúng tôi sẽ lựa chọn.

IPO không chỉ thuần túy bán phần vốn nhà nước đi, mà điều quan trọng để doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện IPO xong chuyển sang công ty cổ phần có hiệu quả hơn; Đem lại lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và cổ đông. Và như vậy người dân sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng tốt nhất từ doanh nghiệp này…

Thưa Bộ trưởng, người đứng đầu không thực hiện tốt tiến trình cổ phần hóa thì sẽ bị xử lý. Và cụ thể điều nay sẽ được tính toán như thế nào để nâng cao vai trò của người đứng đầu?

Để thực hiện thành công CPH, chúng tôi đã có nghị quyết của Ban cán sự Đảng, xác định mục tiêu lộ trình CPH cũng như phân công nhiệm vụ cho từng Thứ trưởng.

Mỗi Thứ trưởng phụ trách một số doanh nghiệp nhất định và xác định trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng giám đốc, Hội đồng thành viên của các doanh nghiệp nhà nước này. Chúng tôi cũng đưa vào nghị quyết với doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, sẽ điều chuyển sang làm việc khác.

Vì khi đã thống nhất trong cả hệ thống đây là con đường duy nhất buộc phải đi mà không chịu đi hoặc cố tình đi chậm thì buộc phải thay thế người khác để đáp ứng yêu cầu.

CPH quyết liệt và có lộ trình

Thưa Bộ trưởng trong Hội nghị CPH vừa qua, Thủ tướng cũng đánh giá cao thành công của ngành GTVT. Vậy hướng tới mục tiêu CPH thành công, Bộ trưởng cho rằng, CPH đối với phần mà nhà nước không cần năm giữ chi phối thì sẽ cổ phần hóa hết để tránh trường hợp “cổ phần hóa nửa vời”. Điều này sẽ được ngành GTVT triển khai như thế nào trong thời gian tới?

Chúng tôi thực hiện CPH một cách quyết liệt nhưng phải theo lộ trình nhất định. Đối với các doanh nghiệp chúng tôi xác định được đã lựa chọn được cổ đông chiến lược và khẳng định IPO thành công, doanh nghiệp không cần cổ phần chi phối là chúng tôi bán dưới 36% và thậm chí doanh nghiệp xây lắp có thể bán 100% vốn nhà nước. 

Vì vậy, chúng tôi xác định CPH một cách triệt để, đổi mới quản trị doanh nghiệp. Còn một số ít doanh nghiệp chưa lựa chọn được cổ đông chiến lược, có thể chúng tôi bán theo lộ trình.

Bán vốn nhà nước đi phải đảm bảo phát triển vốn, cũng như để doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, cũng không phải bán để đẩy doanh nghiệp nhà nước ra khỏi vòng quản lý của mình. Đúng là nhà nước nên tập trung hơn về thể chế chính sách, nhưng không phải vội vàng làm lấy được mà phải có hiệu quả đảm bảo chất lượng đúng lộ trình để ra. Chúng tôi không mong muốn Bộ GTVT phải làm điển hình và xác định là con đường phải đi thì cố gắng làm cho thật tốt.

Để thực hiện được những kế hoạch cụ thể trong tiến trình cổ phần hóa chung của Chính phủ, những khó khăn nào đặc trưng mà ngành GTVT cần có kiến nghị về mặt cơ chế chính sách hay là phối hợp với các bộ ngành khác hoặc kiến nghị Thủ tướng?

Thực ra hệ thống thể chế chính sách hiện nay, hay nói cách khác là các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bao cho quá trình cổ phần hóa là tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh. Tôi cho rằng, như thế là chúng ta có thể triển khai được tốt.

Tuy nhiên, đặc thù mỗi ngành mỗi doanh nghiệp khác nhau. Do vậy, trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, chúng tôi thường xuyên có báo cáo chính phủ, báo cáo Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp của Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Chính vì vậy, riêng cổ phần hóa các doanh nghiệp của Bộ GTVT đã được Chính phủ cho phép bằng 7 văn bản cá biệt, vừa ủy quyền và vừa trực tiếp xử lý các vấn đề vướng mắc.

Chúng tôi đã có báo cáo đề nghị từ văn bản cá biệt đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đặc biệt là Bộ Tài chính hoàn thiện thành các thể chế chính sách chung cho tất cả doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa đều có thể áp dụng cơ chế đó.

Điều thứ 2, để thực hiện tốt cổ phần hóa, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành đặc biệt là Bộ Tài chính. Bộ GTVT thường xuyên họp giữa hai bộ trưởng để xử lý các bất cập, vướng mắc rất hiệu quả. Nếu cứ văn bản đi văn bản lại sẽ không giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể phân biệt, người này người khác làm. Để giải quyết vấn đề nhanh, Bộ trưởng, Thứ trưởng của Bộ GTVT trực tiếp cùng doanh nghiệp với các đối tác tháo gỡ từng vấn đề.

Bộ trưởng GTVT làm việc trực tiếp với các chuyên viên, cán bộ cấp phòng cấp vụ của các Bộ. Vì nếu Bộ trưởng trực tiếp ngồi sẽ tháo gỡ được rất nhanh. Tôi nghĩ để đẩy nhanh được quá trình CPH của các DN, người đứng đầu các bộ phải trực tiếp chỉ đạo và giải quyết vấn đề bất cập vướng mắc. Như thế, tiến trình CPH sẽ nhanh hơn, đảm bảo được tiến độ tiến trình không thất thoát và mất vốn của nhà nước và đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!.
 
Theo Hà Nho
VOV

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước