Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Đổi mới là đòi hỏi sống còn”

(Dân trí) - Sáng nay (22/1), tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có bài tham luận với nhiều nội dung quan trọng, nóng bỏng, nhìn thẳng vào sự thật.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Đoàn chủ tịch, đánh giá: "Bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, nhìn thẳng vào tình hình đất nước, có những phân tích khá quan trọng".

Đối mới là yêu cầu cấp bách

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những Nghị quyết của Đại hội toàn quốc. Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho đổi mới tiếp theo. Làm được điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, bằng tấm gương tự đổi mới, bằng sự lãnh đạo hiệu quả của mình với đất nước, dân tộc.

Từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% xuống dưới 5%. Những thành tựu của công cuộc đổi mới không thể phủ nhận. Tuy nhiên chúng ta vẫn là nước nghèo, vì thế chưa thể bằng lòng, thỏa mãn, nhất là khi nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện.

Có lẽ ít ai biết rằng, đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Mọi so sánh đều khập khiễng, vì chúng ta phải trải qua chiến tranh, giành độc lập, thống nhất. Nhưng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.

Hơn nữa, yêu cầu đổi mới phát triển với Việt Nam cấp bách hơn bao giờ hết”.

“Cơ hội trong giai đoạn ngắn ngủi”

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng, bắt đầu từ 1970, thường kéo dài 50 năm mà khoảng 2020-2025 là hết cơ hội. Như vậy chỉ còn tối đa 10 năm thời kỳ mà dân số ở độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần.

Những thuận lợi từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần hết tác dụng. Bên cạnh đó, tăng trưởng dựa trên tăng đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản không còn nhiều lợi thế.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi sống còn.

Vì ba lý do trên, Việt Nam cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nếu không muốn tụt lại phía sau, hay kinh tế trì trệ kéo dài, để rồi đất nước rơi vào nhóm thu nhập trung bình thấp.

“Cũng tại hội trường này, cách đây 5 năm, Đại hội XI đã thông qua chiến lược phát triển KT-XH trong đó nêu rõ phải kiên trì, quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong XH. Nghị quyết khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất đánh giá hiệu quả quá trình đổi mới.

Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt kết quả nhất định. Nhưng đổi mới hệ thống chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới 5 năm năm qua chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chính nó làm căn bản cuộc sống, đưa đất nước phát triển.

Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tư lệnh ngành Bùi Quang Vinh nhấn mạnh thêm: Về đổi mới thể chế kinh tế, trọng tâm giai đoạn tới ở ba trụ cột chính:

Trụ cột 1: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường.

Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm – tương đương tăng trưởng GDP 8%/năm, để đến 2035 đạt thu nhập bình quân đầu người 15-18.000 USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất.

Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90 đến nay, khiến giờ ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động ngay trong khu vực tư nhân cũng liên tục tụt giảm, ở mức rất thấp.

Có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, cơ cấu lao động rất lạc hậu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn rất nhiều khu vực chính thức. Hơn 44% lao động làm việc trong nông nghiệp – khu vực tạo giá trị gia tăng rất thấp. Thứ hai, nền tảng KTTT chậm hoàn thiện gây phương hại quyền sở hữu tài sản, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa. Thứ ba, thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.

Phải tập trung cao độ thúc đẩy phát triển DN trong nước, mà chủ yếu là DN tư nhân Việt Nam, về cả số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của DN trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các DN trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của KTTT, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi. Phải coi vị thế của DN là vị thế của quốc gia.

Trụ cột 2: Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người.

Bên cạnh sự phát triển nhanh, vận động theo cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi XH cơ bản. Do đó phải xây dựng được những chính sách đảm bảo công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ XH cơ bản cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế, thiệt thòi - như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo. Đây cũng chính là tính ưu việt của CNXH, là trách nhiệm của Nhà nước trong thực thi nền KTTT định hướng XHCN, và cũng là hành động thiết thực để thực hiện tốt các kế hoạch hành động của LHQ về mục tiêu thiên niên kỷ sau 2015.

Trụ cột 3: Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước

Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do điều kiện lịch sử Việt Nam mà những thiết chế công đã bị thương mại hóa, manh mún, thiếu sự giám sát của người dân.

Phúc Hưng – Anh Thế (ghi)

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Đổi mới là đòi hỏi sống còn” - 2