TPHCM:
Bộ trưởng Bộ Xây dựng “vi hành” đến nhà trọ công nhân
(Dân trí) - Công nhân lao động nghèo đã có dịp được chia sẻ tâm tư nguyện vọng trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, đồng thời chủ nhà trọ, các dự án nhà cho thuê của cá nhân cũng có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn, cơ hội phát triển mới.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ngày 7/5, Đoàn lãnh đạo Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến thăm một số mô hình nhà ở do người dân và doanh nghiệp tự xây cho người lao động thuê mướn tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM).
Có mặt tại khu nhà trọ số 37A đường số 11 (khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) do bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh chủ khu nhà trọ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã gặp gỡ trực tiếp chủ nhà trọ và những người lao động nghèo thuê trọ nơi đây. Khu nhà trọ này gồm 27 phòng trọ, giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng, phòng khá sạch sẽ, an toàn, không gian thoáng mát và được nhiều người thuê mướn gắn bó lâu dài.
Trong căn phòng trọ khoảng 18m2 này là nơi ở của một cặp vợ chồng công nhân và đứa con nhỏ. Khi được Bộ trưởng Bộ xây dựng thăm hỏi, họ đã không khỏi xúc động khi trình bày những khó khăn cũng như mơ ước ấp ủ của mình.
Đoàn công tác tiếp tục khảo sát tại khu nhà trọ công nhân số 19/1 đường số 3 (khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức), nơi đây có 21 phòng, mỗi phòng khoảng 12m2 lại có thêm gác lửng, mức giá cho thuê 700 ngàn đồng/tháng nên thu khá nhiều công nhân ở đây.
Trong khi đó tại nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), giá thuê chỉ có mức 250.000 đồng - 290.000 đồng/người/tháng, phù hợp với thu nhập của công nhân. Khu lưu trú này có sức chứa 1.650 công nhân hiện đang lưu trú 1.590 công nhân của 100 công ty tại khu chế xuất. Chị Phạm Thị Hằng cho biết, chị đã thuê ở được 4 năm cùng với 5 người làm cùng công ty, thấy an toàn, sạch sẽ và sẽ ở đây lâu dài.
Qua việc khảo sát thực tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định về nhu cầu nhà lưu trú công nhân tại TP.HCM là rất lớn và khả năng đáp ứng được một phần này trong dân cũng có nhiều, vì vậy địa phương cần tạo điều kiện về thủ tục, về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở, chất lượng cũng như quy hoạch chung, để dân có điều kiện chia sẻ với nhà nước và doanh nghiệp trong mô hình nhà lưu trú công nhân này.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay có đến 90% nhà ở cho người lao động thuê mướn đều do người dân xây dựng, Nhà nước cần phải công nhận và cùng người dân tham gia mô hình này. Nhà nước khuyến khích và sẽ hỗ trợ chủ nhà trợ tín dụng lãi suất ưu đãi, có thể trích ra từ gói hỗ trợ 30.000 đồng của Chính phủ.
Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong Nghị đinh 188/CP của Chính phủ cũng đã nói rõ, Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để bán, cho thuê, cho thuê mua và được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn tín dụng lãi suất thấp để xây nhà cho người thu nhập thấp thuê mướn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân phải đảm bảo chất lượng nhà ở an toàn, giá thuê ổn định, hợp lý, đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của người thuê mướn…