Bộ Tài chính vẫn đang xem xét việc giảm thuế cho Lọc dầu Dung Quất
(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được đề xuất giảm thuế đối với các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện Bộ Tài chính đang xem xét, giải quyết theo hướng đảm bảo lợi ích cho các bên.
Trao đổi với về đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với các sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn - BSR, đơn vị quản lý Nhà máy cho biết: "Đáng lẽ phải hạ thuế xuống 0%. Nếu không sản phẩm chúng tôi sản xuất sẽ đắt hơn sản phẩm nhập khẩu khiến các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ không mua nữa".
Theo lý giải của ông Giang, lâu nay các sản phẩm xăng dầu vẫn chịu thuế, kể cả sản phẩm nhập khẩu bây giờ theo lộ trình hội nhập. Cụ thể, từ tháng 1/2016 là sản phẩm diesel có thuế về 0% từ Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc trong khi sản phẩm này do nhà máy sản xuất ra vẫn giữ thuế 10%.
Đối với mặt hàng xăng theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế về 0% nhưng hiện theo Hiệp ước với Hàn Quốc, những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10% trong khi xăng nhà máy lọc dầu Dung Quất là 20%. Thời gian tới thoả thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa mặt hàng xăng nhập khẩu từ Nhật Bản về 10%, mức chênh lệch cũng là 10% so với sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
"Nguyên tắc cơ bản là tạo sự bình đẳng dù nhập nhiều ít, đảm bảo sự bình đẳng để có mức giá ngang nhau. Vấn đề này quá cấp thiết, và là sống còn của nhà máy", ông Giang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc trước khi đề xuất BSR đã có số liệu xăng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc để đánh giá tác động chưa, ông Giang thừa nhận, phía BSR chưa nắm được con số cụ thể.
Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Bộ đã nhận được đề nghị và đang theo dõi, nghiên cứu để có ý kiến xử lý. Quan điểm của Bộ là sẽ xem xét để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên".
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, trên bình diện chung, mỗi chính sách đưa ra được áp dụng trên mặt bằng chung của đất nước, doanh nghiệp làm ăn có lãi hay không còn phải phụ thuộc vào hiệu quả, tổ chức sản xuất kinh doanh và nhiều yếu tố khác.
"Trong cùng một mặt bằng chính sách có doanh nghiệp mất hết, có doanh nghiệp lãi lớn bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động”, ông Thi nói.
Trước ý kiến cho rằng mặc dù có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhưng giá xăng trong nước vẫn ở mức cao, ông Thi nói: "Giá xăng ở Việt Nam không cao, trong danh sách 188 nước, Việt Nam đứng thứ 43. Trong khi đó, xung quanh nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia... có giá cao hơn, nếu chính sách không cẩn thận thì nhập về lại chảy lậu ra các nước".
Nói về cơ cấu thuế phí trong giá xăng, ông Thi cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu, nhiều tổ chức lớn đều khuyên các nước cần nghiên cứu thay đổi cơ cấu thu theo hướng tăng thu nội địa.
Phương Dung