1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Tài chính: "Rau thịt không ảnh hưởng, dân nghèo đừng lo"

(Dân trí) - “Nhóm thu nhập thấp chi gần 60% cho mặt hàng không phải chịu mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) tăng nên việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% không ảnh hưởng nhiều đến những hộ gia đình có thu nhập thấp”, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định.


Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Cụ thể, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo luật thuế GTGT thì các mặt hàng lương thực thực phẩm trực tiếp sản xuất và bán ra, giáo dục, y tế,... đều không chịu thuế GTGT. Hoặc hàng hóa, dịch vụ như thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp; lương thực thực phẩm qua khâu thương mại,… sẽ chịu thuế GTGT ở mức ưu đãi 5%.

Được biết, mức thu nhập của dân cư Việt Nam được chia thành 5 nhóm và mức chi tiêu của các nhóm là khác nhau. Trong đó, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục, trong đó nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% chi tiêu để mua những mặt hàng trên.

Ông Thi lấy ví dụ, với một hộ gia đình có thu nhập 7 triệu đồng/tháng thì chi khoảng 3,5 triệu đồng/tháng cho mặt hàng không phải chịu thuế GTGT (không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế GTGT) như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Đối với khoản chi còn lại cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và 10% là 3,5 triệu đồng.

Như vậy, ông Thi nhận định, việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% khiến gia đình này trả thêm mỗi tháng cao nhất là 70.000 đồng. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến những hộ gia đình có thu nhập thấp.

Ông Thi cho biết thêm, tại Việt Nam, 20% hộ nghèo chỉ tiêu dùng 9% mặt hàng chịu thuế GTGT. Trong đó, nhóm có thu nhập cao nhất dành 40% chi tiêu cho những mặt hàng tăng thuế.

Cùng với việc đề xuất tăng thuế GTGT, ông Thi cho rằng, cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội để giảm thiểu tác động của việc tăng thuế lên nhóm thu nhập thấp này.

Cụ thể, chính sách thuế GTGT hiện nay của Việt Nam hiện nay có một số quy định lồng ghép với các chính sách xã hội để hỗ trợ người có thu nhập thấp như 25 nhóm hàng hóa không phải chịu thuế và 15 nhóm dịch vụ, hàng hóa chịu thuế GTGT ưu đãi 5%.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế khác khuyến nghị Việt Nam nên thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT và chịu thuế GTGT ở mức ưu đãi 5% để đảm bảo chính sách thuế GTGT không méo mó, thay vào đó, nên sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho các đối tượng này một cách phù hợp hơn.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm