1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Tài chính "quan ngại" với đề nghị mở lối mòn biên giới nhập gỗ Lào về Việt Nam

(Dân trí) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Việt Nam cho thí điểm nhập khẩu gỗ qua lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh này, hai khu vực được xác định là lối mở Keng Đu và lối mở Xiềng Trên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đưa ra nhiều quan ngại với đề xuất này.

Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đề nghị cân nhắc kỹ lối mở này để thực hiện nhập khẩu gỗ bởi các lối mở này chưa được bố trí lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch để kiểm soát, quản lý, trao đổi hàng hoá, cư dân biên giới.

Gỗ Lào mà phía doanh nghiệp Việt mua về đang tồn đọng, tỉnh Nghệ An đề nghi cho mở lối mòn nhập khẩu về Việt Nam.
Gỗ Lào mà phía doanh nghiệp Việt mua về đang tồn đọng, tỉnh Nghệ An đề nghi cho mở lối mòn nhập khẩu về Việt Nam.

Bên cạnh đó, giao thông từ đường chính vào đến lối mở rất khó khăn, hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ. Điều này không đảm bảo cơ sở vật chất để các DN thực hiện nhập khẩu thuận tiện và giám sát thủ tục nhập khẩu.

Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì hai lối mở Keng Đu và Xiềng Trên không đủ điều kiện được thực hiện nhập khẩu và xuất khẩu hàng hoá.

Ngoài ra, từ tháng 5/2016, Thủ tướng Lào đã có Chỉ thị số 15/PM nêu rõ: từ ngày 13/5/2016 chấm dứt việc xuất khẩu các loại gỗ trong mọi trường hợp, kể cả đối với trường hợp Chính phủ nước này đã phê duyệt từ trước nhưng chưa thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Công Thương Lào, Bộ Công Thương Lào đã có báo cáo Chính phủ Lào cho phép kiểm kê, xác minh số gỗ tồn đọng của các DN Việt Nam đầu tư mua tại Lào, đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Lào trước thời điểm có Chỉ thị số 15/PM, được nhập khẩu gỗ về Việt Nam.

Tuy nhiên, để đảm bảo không ảnh hưởng đến pháp luật nước Lào và tình hữu nghị giữa hai nước, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương, Nghệ An và các DN Việt Nam làm việc với các bên liên quan. Trường hợp Chính phủ Lào chưa cho phép xuất khẩu gỗ thì chưa thực hiện thí điểm nhập khẩu gỗ qua hai lối mở nói trên.

Trường hợp Chính phủ Lào cho phép xuất khẩu số gỗ tồn đọng nói trên về Việt Nam thì Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét thực hiện nhập gỗ ở các lối mở có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu, tỉnh Nghệ An phải hoàn tất các thủ tục về thuế, hải quan đối với gỗ nhập khẩu khi đủ điều kiện nhập về Việt Nam. Bộ giao cho Tổng cục Hải quan, UBND Nghệ An bố trí các lực lượng, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành để giám sát quá trình và thời gian nhập khẩu số gỗ nói trên.

Trước đó tháng 5/2017 như Dân Trí đưa tin, hàng loạt các DN gỗ tại Hà Tĩnh đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ về việc Chính phủ Lào ra Chỉ thị 15/PM nói trên đã khiến nhiều DN tại Việt Nam không thể nhập về và xuất bán được dù các thủ tục đã hoàn tất được với phía Lào.

Điều này đã khiến hàng trăm tỷ đồng của các DN gỗ tại địa phương này ùn ứ và khả năng ngưng hoạt động, phá sản khá cao do phần lớn số tiền này là vay từ ngân hàng.

Hiện các DN gỗ tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ tại Lào, Campuchia về Việt Nam, trong đó riêng năm 2013, gỗ tròn và gỗ xẻ được nhập từ Lào đạt hơn 500.000 m3, năm 2014 tăng lên gần 800.000 m3 và sang năm 2015 giảm còn 700.000 m3.

An Linh