Tăng thuế môi trường xăng dầu: Chuyên gia ngỡ ngàng, doanh nghiệp "thống nhất cao"
(Dân trí) - Thống nhất cao với việc sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít, Petrolimex cho rằng, việc này sẽ giúp "đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường".
Liên quan tới đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, nguồn tin của Dân trí cho biết, trong một công văn tham gia ý kiến gửi lên Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết “thống nhất cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung luật thuế Bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính”.
Theo lý giải của doanh nghiệp xăng dầu hiện chiếm thị phần lớn nhất này: “Việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế”.
Trước đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường mới được công bố hôm giữa tháng 1 cho thấy nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu dự kiến được áp dụng mức thuế cao nhất lên đến 8.000 đồng. Theo dự thảo, khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít. Xăng E5, E10 có thể có khung mức thuế từ 2.700 đến 7.200 đồng/lít và 2.500-6.800 đồng/lít…
Hiện nay, Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định biểu khung mức thuế đối với xăng từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít. Khung thuế với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít.
Theo lý giải của bộ Tài chính, việc điều chỉnh khung giá thuế bảo vệ môi trường với xăng là cần thiết để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Vì trong trường hợp cần thiết, việc tăng mức thuế đối với mặt hàng này là không dễ.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những lý do đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách bởi hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi. Nguyên tắc điều chỉnh mức thu thuế là phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp cũng như các cam kết hội nhập.
“Hiện mới trình khung thuế từ 4.000-8.000 đồng, còn mức tăng thì phải tính toàn từng thời điểm. Nhất là còn phải trình Quốc hội, phải họp bàn, thảo luận. Bây giờ mới chỉ là lộ trình xin ý kiến. Bộ Tài chính vẫn đang thực hiện theo Nghị quyết Chính phủ, ưu đãi về thuế phí, tín dụng chứ không phải Chính phủ bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà chúng tôi làm ngược lại”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, bản dự thảo ngay sau khi được công bố đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khung thuế được đưa ra là mức quá cao.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên mức rất cao và không phù hợp ngay thời điểm đầu năm 2017. Ông Cung cũng cho rằng: "Đây là cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, khung cũ 1.000 - 4.000 đồng/lít là khung cao, và việc ban soạn thảo đưa ra lý do mức áp thuế hiện tại 3.000 đồng/lít sát với khung thuế đang áp dụng và do giảm thuế nhập khẩu nên cuối cùng buộc phải tăng thuế bảo vệ môi trường là chưa thỏa đáng.
Ông Long cho rằng, việc nâng lên khung áp thuế 3.000 - 8.000 đồng/lít gây “sự ngỡ ngàng, và cảm nhận gần như là cú sốc”.
Vấn đề minh bạch cũng được TS Lê Đăng Doanh đặt ra. Theo ông, Thủ tướng đã nói chi tiêu ngân sách sách phải công khai rõ ràng vì tiền của dân. Thuế môi trường cũng vậy, không thể thu nhưng cuối cùng không chi cho môi trường, điều này không đúng mục đích mà chúng ta nói.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2011 đến 2016, chiếm tỷ trọng từ 1,5% đến 4,1% trong tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng từ 0,3%-0,9% trên GDP hàng năm.
Thời điểm thu thuế bảo vệ môi trường năm 2015 tăng lên đáng kể so với thu năm 2014, đưa tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường/tổng thu nội địa chiếm 3,65% cũng được lý giải do từ tháng 5/2015 thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất đối với xăng dầu.
Phương Dung