Bỏ ra 400.000 đồng mua 1 lít nước… đường!

Những tên lừa lọc cao tay vẫn khiến nhiều người háo hức bỏ ra 350.000 - 400.000 đồng để mua 1 lít nước pha… đường, cùng tí xíu mật ong. Và khách hàng vẫn hí hửng, khi tưởng rằng mình mua được hàng xịn với giá rẻ bất ngờ…

Mật ong thiên nhiên, giá rẻ bất ngờ!

Chiều 1/12/2015, chị Trần Ngọc Thanh T. cùng người nhà đi xe ô tô từ TP.HCM về miền Tây. Đi hết đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, qua khỏi trung tâm TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), những người trên xe cùng chị T., xuống uống nước ở 1 quán giải khát ven đường…

Chưa đầy 10 phút sau, 1 thanh niên đội nón xùm xụp, chạy chiếc Dream Trung Quốc cũ, sau xe cột chặt chiếc cưa máy - dùng để đốn cây, ghé vào trước quán. Anh ta dừng xe sát đường, tìm chủ quán hỏi xin cái khăn giấy ướp lạnh để lau mặt. Điều khiến khách ngồi trong quán chú ý đến anh ta, chính là chiếc thùng bê (thùng dùng để đựng bê tông dùng trong xây dựng), đặt phía trước yên xe. Trong thùng, đầy vụn tàn ong (tổ ong), tươm mật, và những chú ong ruồi non, già… đang vùng vẫy tuyệt vọng trong những cái lỗ chi chít trên tàn ong.

Thích mắt, anh lái xe ô tô chạy ra, xin anh thanh niên cho bẻ thử 1 miếng tàn ong đầy ong non, nhấm thử. Anh thanh niên cười nhoẻn, ra vẻ cứ vô tư, đúng như tính cách phóng khoáng của người miền Tây: “Cứ bẻ ăn thử đi! Sáng giờ, tui đi đốn tràm cho người ta, bắt được bao nhiêu tổ ong đó”. Thấy anh tài xế nhấm nháp ngon miệng, chị T. cũng bước ra xin ăn thử. Vị ngọt của mật, vị beo béo của những chú ong non, khiến chị thích thú…

Mật ong thiên nhiên có giá bán rất cao
Mật ong thiên nhiên có giá bán rất cao

Mật ong thiên nhiên hiện bán cả triệu đồng mỗi lít, nhưng rất khó kiếm! Bây giờ, anh thanh niên bày cả đống trước mắt, ai mà không ham. Ngay lập tức, chị T. hỏi: “Anh có bán mật không?”. Anh thanh niên tỏ vẻ ngần ngừ vài giây, rồi gãi đầu: “Thôi kệ, tui giấu vợ, chia bán một ít cho chị. Chứ đống tàn ong này, tui định đem về vắt lấy mật cho vợ xài, còn tàn thì để ngâm rượu. Thôi, chị kiếm xin cái chai nước suối không đi, tui chiết bán cho chút đỉnh, kiếm tiền chiều mua đĩa thịt chó và vài xị rượu, nhậu với mấy thằng bạn”.

Chủ quán giải khát liền đưa cho chị T. xin cái chai nước rỗng, dung tích khoảng 1/2 lít. Anh thanh niên nhanh nhảu cầm chai, cùng anh tài xế của chị T. nghiêng cái thùng bê để rót mật sang. “Mấy lần trước, tui bán cho người ta 350.000 đồng/lít, cái chai này 1/2 lít đó chị”. Nghe giá rẻ bất ngờ, chị T. hớn hở rút ngay 2 tờ bạc 100.000 đồng, đưa cho anh thanh niên… Trước khi lên xe đi, anh thanh niên còn dặn dò cẩn thận: “Chị vặn kín cái nút chai, chừng nào mở xài thì phải mở từ từ, chứ mật ong thiệt này hơi dữ lắm. Mở không khéo, nó xì như gas nước ngọt, chảy hết đó”.

Nhưng cùng lúc anh thanh niên rót mật bán, vài người đi cùng xe bắt đầu nghi ngờ. Họ hỏi chủ quán, thì chị này chỉ cười mỉm. Gặng hỏi mãi, chị chủ quán mới nói: “Ngày nào, nó cũng đi… bán “mật”. Tui bán quán ở đây, biết hết mà đâu có dám nói, lỡ có gì nó quậy chết!”. Nhìn ra đường, gã thanh niên đã biến mất từ lúc nào.

Mật ong chính gốc thiên nhiên là… nước đường

Vì sao lúc gã thanh niên rót mật ong bán cho chị T., một vài người đã bắt đầu nghi ngờ? Đơn giản, vì nếu thực là những tàn ong vừa lấy từ trên cây về, dù đựng trong thùng bê và chạy thật xa, để vài tiếng đồng hồ, mật cũng không rịn nhiều ra đáy thùng. Bởi mật ong phần lớn bám trong tàn ong, và để lấy hết mật, buộc lòng người ta phải dùng tay vắt thật mạnh và kỹ. Trong khi đó, chiếc thùng bê của gã thanh niên, khi lấy rót cho chị T., vừa nghiêng thùng chút xíu là mật đã tràn ra, chứng tỏ mật trong thùng rất nhiều. Và anh tài xế phụ gã thanh niên rót mật, xác nhận: “Trong thùng nhiều mật lắm, chừng 4-5 lít chứ chẳng ít!”.

Anh Hồ Văn Tạo, ngụ ở ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang - người rất có kinh nghiệm về nuôi ong, khẳng định: “Tui nuôi ong có thể nói thuộc dạng “mát tay”, tổ rất nhiều mật. Nhưng nếu tàn ong ruồi loại lớn, khoảng bằng cái dĩa ăn, thì vào vụ chính - mật nhiều nhất, trung bình 4 cái tàn ong mới vắt được 3 xị mật (tức 0,75 lít)”.

 


Tàn ong

Tàn ong

 

Trong khi đó, cái thùng bê của gã thanh niên bán mật cho chị T. cũng chứa khoảng 4 cái tàn ong, nhưng mật rịn ra dưới đáy thùng đã 4-5 lít, chưa kể nếu lấy tàn vắt sạch, sẽ thu đến cỡ nào nữa? Rõ ràng, mật giả mới “tươm” ra kinh khủng vậy! Và chi tiết khiến mọi người đi cùng xe thêm nghi ngờ, đó là gã thanh niên “khoe” mình đi đốn cây cả ngày để lấy tàn ong, nhưng bộ quần áo gã mặc không hề có 1 vết bùn, vết nhựa cây nào. Thậm chí, chiếc cưa máy cột sau xe không có dính chút mạt cưa (khi cưa gỗ, sẽ văng ra mặt cưa bám khắp nơi - PV) nào! Rõ ràng, đó chỉ là “đạo cụ” diễn xuất của gã thanh niên ấy.

Đúng như lời “dặn dò” cẩn thận của gã thanh niên, nếu là mật ong thật, để trong chai 1-2 ngày, khi mở phải cẩn thận vì nó sẽ như có hơi gas bên trong, xì rất dữ. “Mật càng tốt thì hơi càng dữ, và trong chai sẽ có ít bọt”, anh Tạo cũng xác nhận điều này. Trong khi đó, chai “mật” của chị T., đến sáng 6/12 mở ra, không nghe một tiếng hơi nào, còn trong chai thì tuyệt nhiên không chút bọt.

“Mật thật hay giả rất khó phân biệt, vàng thau lẫn lộn. Phải thử bằng nhiều cách nhưng cũng chưa chắc lắm, bởi nếu mật ong lấy non (chưa đến ngày lấy), cũng sẽ tan ngay trong nước như mật giả; hoặc thấm nhanh khi nhỏ vào giấy thấm… Tốt nhất là nhờ người sành mật ong thử”, anh Tạo cho biết. Chai “mật” của chị T., khi nhỏ vào nước thì tan nhanh, thấm loang trên giấy thấm, 2 ngày sau “mật” trong chai đã phân thành 2 lớp trên và dưới có màu khác nhau. Và khi nhờ người sành mật ong nếm thử thì được kết luận: “Chính là nước đường! Chị mua lầm rồi”.

Chiêu lừa tinh vi

Theo chị chủ quán giải khát nơi chị T. mua mật xác nhận, thời gian gần đây trên đoạn đường quốc lộ 1A, thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, có rất nhiều người hành nghề bán “mật”. Hầu hết đều trang bị cưa máy, thùng bê đựng tàn ong… giả như người vừa đi lấy mật trong rừng tràm về, để qua mắt “khách hàng”. Khi phát hiện có khách sang trọng đi xe ô tô, họ liền sà đến, nhập vai để bán mật…

Nhưng đúng là họ rất tinh vi! Họ không hề chào mời khách mua mật, vì như thế dễ bị sinh nghi. Họ chỉ cần giả vờ ghé quán, dựng xe ở vị trí thích hợp để trưng cái thùng bê đựng đầy tàn ong và ong còn sống đang bò lúc nhúc, đập vào mắt khách trong quán. Chính mớ tàn ong đầy hấp dẫn, khiến nhiều người sẽ bỏ qua các “hạt sạn” trong vai diễn “vừa đi rừng lấy mật” của những gã lừa này như cưa không dính mạt cưa, quần áo sạch sẽ… Và chính khách hàng sẽ chủ động hỏi mua khi bị hấp dẫn bởi mớ tàn ong đầy chất tự nhiên, còn các gã lừa lọc lại như người ban ơn: “Thôi, tui nhín lại cho chút mật ong rừng với giá rẻ, chủ yếu là kiếm chút tiền chiều nhậu”.

Anh Tạo cho biết: “Tại An Giang hiện nay, mật ong ruồi thiên nhiên có giá đến 1 triệu đồng/lít do khan hiếm, mà mỗi tổ cũng không thu nhiều mật. Còn mật ong mà tui nuôi, bán ra rẻ nhất cũng 800.000 đồng/lít. Làm gì có giá mật ong thiệt mà chỉ 350.000 - 400.000 đồng/lít?”.

Theo tìm hiểu của PV, các tay lừa lọc này thường xuyên đi mua gom các tàn ong ruồi thải ra từ các nơi nuôi ong, những người đi rừng… với giá rẻ. Một số tàn ong cũng có mật, nhưng rất ít, để tạo mùi! Giả như họ mua 4 tàn ong với giá chỉ chừng 160.000 đồng, sau đó, họ dùng đường pha nước, nấu cho sệt lại tí, rồi đổ vào các tàn ong này để cho ra 4-5 lít “mật”…

“Thậm chí, những tay tinh vi còn bơm vào tàn ong, cứ như mật ong thật đang bám vào”, anh Tạo khẳng định. Và với giá bán chỉ cần 350.000 đồng/lít, thì chỉ cần bán được 1 lít là họ đã thu hồi vốn mua 4 tàn ong, cộng thêm cả tiền mua số đường trộn vào. 3-4 lít còn lại, bán bao nhiêu, lãi bấy nhiêu. Siêu lợi nhuận!

Một số nơi, các tay ma mãnh còn dùng đường pha nước, đặt cạnh các tổ ong nuôi. Chỉ trong chốc lát, lũ ong sẽ vận chuyển mớ nước đường này về tổ. Và họ sẽ lập tức thu hoạch tổ ong, vắt mật ra bán trước mặt khách để họ khỏi nghi ngờ. Tất nhiên, mật này phần lớn là… nước đường!

Theo Nguyễn Hồ
Một thế giới

 

Bỏ ra 400.000 đồng mua 1 lít nước… đường! - 3