Bỏ nghề kỹ sư về quê đào ao nuôi cá, 9x Hải Phòng kiếm tiền tỷ đều tay
(Dân trí) - Sau 3 năm công tác ở một công ty xây dựng công trình hàng không, anh Vũ Văn Quân (Hải Phòng) quyết định xin nghỉ việc để về quê đào ao, nuôi cá.
Thế chấp sổ đỏ lấy tiền khởi nghiệp
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Vũ Văn Quân (Hải Phòng) xin về làm kỹ sư ở một công ty chuyên xây dựng công trình hàng không. Do vừa là giám sát vừa là kỹ sư nên mỗi khi có công trình mới là anh Quân lại phải di chuyển và lên đường. Sau này, vì muốn có nhiều thời gian hơn ở bên con cái và chăm sóc gia đình nên anh quyết định nghỉ việc.
"Công trình cuối cùng mà tôi thực hiện là xây dựng sân bay Cát Bi ở Hải Phòng. Thời điểm ấy, tôi không nghỉ ngay mà bàn giao dần dần để mình có thời gian chuyển việc và tìm nguồn thu mới" - anh nói.
Anh Quân cho biết rất thích nuôi cá. Trước đây, anh chơi cá cảnh song chỉ mua những dòng cá có giá trị thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế. Sau này, anh mới nghiên cứu nhiều hơn về cá koi và thị trường của loại cá này.
"Thực ra, nhà tôi ở quê có truyền thống nuôi cá thịt và cá vàng thả bể nên cũng gọi là có ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc, tôi mới bàn với gia đình sẽ chuyển đổi sang mô hình mới là nuôi cá koi. Bởi dòng cá koi sẽ chỉ phục vụ cho mục đích làm cảnh" - anh chia sẻ.
Để có thêm đồng đội, anh Quân rủ thêm người em trai về quê cùng nhau khởi nghiệp. Do không đủ vốn, anh đành thế chấp sổ đỏ để vay tiền mua cá, xây dựng hệ thống xử lý nước, đào và cải tạo lại ao.
Thời điểm đó, anh bỏ ra hơn 500 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ để đầu tư cho mô hình nuôi cá koi. Sau 4 năm hình thành và phát triển, diện tích khu nuôi cá nhà anh đã lên tới 5 ha với 13 ao nuôi cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.
"Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình may mắn, bởi ngay từ đợt đầu, tất cả số cá tôi nuôi đều được tiêu thụ hết. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thế, bởi ngay sau lần đó, chúng tôi đã nhận về một bài học đắt giá, nhớ đời.
Do quá nóng vội, chúng tôi đã cho nhập số lượng lớn cá về ao dẫn đến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng" - anh Quân nhớ lại.
Lý giải về nguyên nhân cá chết, anh Quân cho rằng, yếu tố quan trọng nhất khi nuôi cá koi là phải có kỹ thuật, điều chỉnh được nhiệt độ, nguồn nước để cá không bị sốc nhiệt. Hơn nữa, khi giao mùa, chuyển mùa thì không nên nhập cá bởi thời điểm đó, cá hay bị bệnh, nếu về người nuôi không biết xử lý, chăm sóc tốt, cá sẽ bị chết.
Kể từ lần đó, anh Quân đều rất cẩn thận trong khâu nhập hàng và kiểm tra kỹ nguồn nước trước khi thả cá vào ao. Trong 1 - 2 năm đầu, toàn bộ số tiền lãi anh thu được, anh đều bỏ vào xây dựng hệ thống, đầu tư trang thiết bị, thức ăn chăn nuôi.
Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ cá koi
Anh Quân cho biết, nhu cầu nuôi cá koi ở Việt Nam ngày càng gia tăng khi các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí xuất hiện. Bởi ở đâu có khu tiểu cảnh, sân vườn là ở đó có hồ nuôi cá koi.
"Xu hướng chơi cá cảnh, đặc biệt là cá koi nở rộ trong vài năm trở lại đây. Nếu là dòng cá nhập khẩu thì giá thành rất đắt đỏ, không phải ai cũng có điều kiện mua. Nên tôi mới nghĩ rằng, tại sao mình không nhân thêm nhiều giống cá tốt để có được mức giá cạnh tranh" - anh bày tỏ.
Do đó, anh Quân và em trai đã quyết định nhập lượng lớn dòng cá koi từ Nhật Bản. Bước đầu, anh mua những con cá tốt nhất, màu sắc đẹp nhất về nuôi rồi cho sinh sản để tạo ra dòng cá F1 với chất lượng tương đương.
Hiện nay, ở ao nuôi nhà anh Quân có 3 dòng là cá nhập khẩu, cá F1 và cá Fn hay còn gọi là cá koi Việt Nam khi có bố mẹ là cá F1.
Theo đó, giá của các dòng cá cũng khác nhau, như cá nhập khẩu có 3 phân khúc, nếu cá có kích thước 8 - 10 cm sẽ có giá 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/con, cá có kích thước tầm trung, màu sắc đẹp dao động ở mức 20 - 50 triệu đồng/con. Đặc biệt, với dòng xuất sắc đạt kích thước 85 - 100 cm, thân hình đẹp có thể lên tới hơn 100 triệu đồng/con.
Còn với dòng cá F1, chọn lọc có kích thước 30 - 50 cm là 300.000 - 2.000.000 đồng/con. Dòng cá Việt Nam (cá Fn) sẽ được tính theo cân từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, loại này thường được khách mua về thả ở các ao sinh thái cho đẹp mắt, tạo sự thu hút.
"Tôi đang tập trung đẩy mạnh việc nuôi cá F1 bằng cách nhập khẩu cá nhỏ về nuôi rồi cho sinh sản. Do khí hậu của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng nên việc nuôi cá cũng khá dễ dàng, thuận lợi. Hầu hết, chúng sẽ được nuôi trong ao bùn, khi nào trưởng thành, cần bán thì chúng tôi mới mang lên bể để trưng bày" - anh tiết lộ.
Ngoài ra, anh Quân còn cho biết, nhà anh hiện nay có một hệ thống ao nuôi bùn ở quê rộng 5 ha và showroom bán cá trên thành phố rộng 300 m2. Tính đến nay, nhà anh có 16 nhân công chuyên nuôi, chăm sóc và kinh doanh cá. Theo ước tính, số cá hiện nay ở cả ao nuôi và showroom lên tới hơn 500.000 con.
"Mỗi ngày, nhà tôi tiêu hết khoảng 3 triệu tiền thức ăn cho cá, trong đó ao nuôi là 1 triệu đồng, còn ở showroom là 2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền điện, tiền trả lương nhân viên, tiền bảo hành, bảo dưỡng các trang thiết bị" - anh kể.
Theo anh Quân, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của nhà anh cũng chậm hơn mọi khi. Hồi chưa dịch, mỗi tháng, doanh thu từ việc bán cá lên tới 500 - 600 triệu đồng, còn hiện tại chỉ đạt 200 - 300 triệu đồng.
"Dịch Covid-19 khiến các tuyến xe khách đi một số tỉnh dừng hoạt động nên việc vận chuyển cá gặp nhiều khó khăn. Và lượng khách đến cửa hàng mua cá hiện cũng giảm tới 50 - 60% do lo ngại dịch bệnh" - anh chia sẻ.
Tuy nhiên, từ đánh giá của anh Quân, tình hình kinh doanh cũng không mấy đáng lo, bởi nhà anh vẫn có đầu ra đều đều. Hơn nữa, cá koi không giống như nông sản là để lâu sẽ bị hư hỏng, mất giá mà chúng càng để lâu càng lớn, phát triển và bán được giá hơn.
Do bởi, vòng đời sinh sống của một cá koi khá dài, nếu ở điều kiện lý tưởng, chăm nuôi tốt, chúng có thể sống tới 20 - 40 năm, còn ở các hồ nuôi, khu tiểu cảnh thông thường là từ 6 - 8 năm.
Dự định trong thời gian sắp tới, ngoài cung cấp cá koi, anh Quân sẽ mở thêm dịch vụ, cung cấp thức ăn, chữa bệnh cho cá, xây dựng hệ thống hồ koi, thiết kế sân vườn cho khách và mở chuỗi quán cà phê cá koi để nối những người có cùng sở thích, đam mê.