Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá gì về kinh tế Việt Nam thời đại dịch?

An Linh

(Dân trí) - "Đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng, nghiêm trọng đến mọi nền kinh tế, tăng trưởng toàn cầu giảm 3,5- 4,5%, mức sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1929-1933", Bộ KH&ĐT nêu.

Trong dự thảo báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn, phức tạp do dịch bệnh.

Theo Bộ KH&ĐT, đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng, nghiêm trọng đến mọi nền kinh tế, tăng trưởng toàn cầu giảm 3,5% - 4,5% là mức sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1929-1933.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá gì về kinh tế Việt Nam thời đại dịch? - 1

Theo Bộ KH&ĐT, kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm mạnh nhất từ cuộc đại suy thoái, trong đó nhiều vấn đề của kinh tế Việt Nam chưa được giải quyết triệt để, phát sinh tồn tại, hệ quả.

Trong đó, thương mại, đầu tư toàn cầu cũng giảm mạnh do sự gián đoạn của sản xuất, tiêu dùng, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất khi các nước buộc phải thực hiện các biện pháp phong tỏa mạnh tay để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Khu vực doanh nghiệp hiện gặp khó cả đầu ra, đầu vào và buộc phải tạm ngừng hoạt động, giảm quy mô, thậm chí có nguy cơ phá sản; các ngành sản xuất lớn, nhất là trong dịch vụ, du lịch, vận tải đặc biệt là hàng không bị ảnh hưởng nặng nề.

"Tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm diễn ra ở nhiều nơi, thất nghiệp tăng cao, đảm bảo an sinh xã hội trở thành gánh nặng đối với nhiều quốc gia, nền kinh tế", Bộ KH&ĐT nêu.

Theo Bộ KH&ĐT, ở trong nước, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tiêu thụ hàng hóa giảm sút, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, hàng triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, bão lũ, sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi... diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế và bất cập lớn. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự bền vững, năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế.

"Kết cấu hạ tầng của Việt Nam chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển", Báo cáo nêu.

Đặc biệt, "khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được phát huy mạnh mẽ. Khoảng cách phát triển giữa các vùng kinh tế chậm thu hẹp. Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, xa và vùng đồng bào thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn".

Theo Bộ KH&ĐT, tham nhũng, lãng phí ở một số nơi chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, vẫn còn những vụ khiếu kiện đất đai phức tạp, kéo dài. Trong khi đó, việc làm của một bộ phận người dân chưa đảm bảo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các khu vực phi chính thức.