1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Kế hoạch: Quyết toán ngay khi làm xong dự án PPP gây bức xúc, tạo dư luận

(Dân trí) - Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định thời gian tới Việt Nam cần lượng vốn xã hội hoá lớn để xây dựng hạ tầng, trong khi đó các chính sách pháp luật hiện tại về đầu tư PPP đang bộc lộ nhiều hạn chế, không đúng quy chuẩn quốc tế.

Tổng kết của Bộ KH&ĐT cho thấy, tính từ năm 1997 đến 2014, các bộ ngành và địa phương đã ký kết và thực hiện hợp đồng PPP với tổng số 193 dự án, đứng đầu là Bộ GTVT với 75 dự án, trong đó có 120 hợp đồng BOT, 71 hợp đồng BT.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phải thay đổi chính sách và cơ chế về PPP để thu hút nguồn lực xã hội hóa hạ tầng tốt hơn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phải thay đổi chính sách và cơ chế về PPP để thu hút nguồn lực xã hội hóa hạ tầng tốt hơn

Ngân sách khó, cần lượng vốn theo phương thức PPP rất lớn

Bộ Kế hoạch chỉ rõ: Dù có nhiều nhà đầu tư vào giao thông đường bộ song chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia theo hình thức PPP mà chủ yếu là doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, hạ tầng cảng biển đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp như: Xây dựng cảng container Tân Cảng - Cát Lái; bến cảng container trung tâm Sài Gòn SPCT liên doanh DP World - Ả rập xê út; bến cảng container quốc tế Sài Gòn Việt Nam VITV (liên doanh Hutchison Hongkong)…

Theo ước tính, vốn huy động từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua ước đạt 327.100 tỷ đồng.

Từ năm 2015, số dự án PPP mới khá hạn chế, theo báo cáo của các Bộ như Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì chưa có dự án nào được triển khai dù đã có chính sách mới về PPP như Nghị định 15 của Chính phủ.

Đối với các địa phương, giai đoạn 2016 và 2020 có 18/63 địa phương đăng ký danh mục dự án PPP với 598 dự án, trong đó có 321 dự án khởi công giai đoạn 2016 và 2020, 277 dự án chuyển tiếp từ năm 2011 - 2015 sang.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này từ 9,1 triệu tỷ đồng đến 9,7 triệu tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chỉ đóng góp khoảng 2 triệu tỷ đồng, còn lại chủ yếu là vốn của khu vực dân cư và doanh nghiệp (xã hội hoá) đóng góp vào khoảng từ 4,3 triệu đến gần 5 triệu tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư.

Về khả năng thu hút được vốn cho các dự án PPP giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&ĐT ước tính cần 254.054 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước (làm đối ứng và vốn mồi) khoảng 16.800 tỷ đồng, còn lại hơn 237.000 tỷ đồng do các doanh nghiệp tự huy động.

Điều này đặt ra áp lực lớn để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách. Tuy nhiên, thời gian qua chính sách về PPP chưa hiệu quả, hệ lụy của BOT đang để lại “dư âm” không tốt đẹp khiến nhiều dự án bị đình lại, các tỉnh ngại BOT và các nhà đầu tư cũng sợ thay đổi chính sách.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Với nhu cầu vốn lớn như vậy nhưng khung pháp lý cho PPP còn rất nhiều vướng mắc, nếu không có thay đổi sẽ không thể thu được nguồn lực như dự tính.

Hàng loạt vấn đề nổi cộm được vạch rõ

Trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã liệt kê hàng loạt vướng mắc như: Quy định dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công nhà nước thì phải lập hội đồng phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều dự án PPP chỉ sử dụng 1% vốn nhà nước và vẫn chịu các quy định trình tự thủ tục dự án nhóm A - phải báo cáo chủ trương lên Thủ tướng quyết định.

Điều này làm phát sinh thêm thủ tục và chậm tiến độ dự án trong khi đó bản thân các dự án này đều do tư nhân đứng ra chủ động làm.

Thêm nữa, những hạn chế, rủi ro của hình thức đầu tư BT (xây dựng chuyển gia) để đổi đất lấy hạ tầng hoặc quyền kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang khiến doanh nghiệp sợ hãi và thực tế minh chứng không phải dự án nào các bên cũng cũng “xuôi chèo, mát mái”.

Bộ KH&&ĐT khẳng định: Quỹ đất thanh toán cho các dụ án và nhà đầu tư BT ngày càng hạn chế, trong khi đó hình thức thanh toán cho nhà đầu tư BT là từ quyền kinh doanh dự án thương mại khác không áp dụng được hoặc không hiệu quả, khiến các doanh nghiệp không mặn mà.

Bộ này đơn cử: TP.HCM có đề xuất cho phép xây dựng cầu vượt bộ hành theo hình thức BT, nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc cho phép gắn các tấm quảng cáo điện tử bên thành cầu. Tuy nhiên, phương án tiền khả thi không tốt, nên doanh nghiệp không mặn mà.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT nêu một ví dụ cụ thể về quy định "quyết toán" công trình dự án PPP sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng hiện vẫn được áp dụng như các dự án đầu tư công. Điều này không đảm bảo khoa học, vì bản chất PPP là nhà nước lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng vận hành dự án trong suốt vòng đời 20 - 30 năm, hoàn toàn khác với các dự án sử dụng vốn nhà nước để thi công.

Chính vì việc "quyết toán" công trình theo quy định của vốn đầu tư công, vô tình gây bất cập, bức xúc dư luận.

Bộ KH&ĐT đưa ra kinh nghiệm quốc tế tại Hàn Quốc, giá công trình là trọn gói và không quyết toán chi phí xây dựng, Nhà nước kiểm soát qua bộ chỉ số yêu cầu về chất lượng công trình/dịch vụ được quy định tại hợp đồng dự án. Đồng thời, Luật PPP tại các nước khác hầu hết cũng không có quy định “quyết toán” chỉ quy định về nghiệm thu công trình.

Nguyễn Tuyền

Bộ Kế hoạch: Quyết toán ngay khi làm xong dự án PPP gây bức xúc, tạo dư luận - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm