Bộ Kế hoạch nói gì khi Luật Quy hoạch bị lùi thời hạn thông qua?

(Dân trí) - Đưa ra nguyên nhân chính khiến Luật Quy hoạch bị Quốc hội cho lùi thời hạn thông qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông khẳng định: Bộ sẽ làm việc triệt để với cơ quan của Quốc hội, đồng thời ông để ngỏ khả năng cơ quan soạn thảo sẽ vận động hành lang (Lobby) một cách minh bạch đến các đại biểu Quốc hội để họ bấm nút thông qua.

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết đồng ý rút Luật Quy hoạch ra khỏi chương trình thông qua Luật và Pháp lệnh tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội XIV ngày (12/6), chiều qua, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đã trả lời báo chí.

Tạm lùi dự luật cũng không làm chậm quá trình phát triển

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: Về tính hiệu quả, chất lượng, các đại biểu Quốc hội đều tán thành rất cao. Nguyên nhân chính khiến dự án Luật bị lùi vì tính khả thi bởi đa số đại biểu đều băn khoăn sẽ phải điều chỉnh hơn 30 Luật khác theo quy định tại Khoản 3, Điều 27 và Khoản 3, Điều 28 của Luật quy hoạch.

Bộ KH&ĐT cho rằng: Luật quy hoạch bị lùi thời hạn do các đại biểu mong muốn tính khả thi cao hơn, nhuyễn hơn (ảnh minh hoạ)
Bộ KH&ĐT cho rằng: Luật quy hoạch bị lùi thời hạn do các đại biểu mong muốn tính khả thi cao hơn, nhuyễn hơn (ảnh minh hoạ)

Trước đó, trong chương trình xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đưa ra nhiều bất cập của tình trạng quy hoạch hiện nay để đưa ra lý do cần ra đời Luật Quy hoạch mới, ngăn chặn những quy hoạch lạc hậu, kìm hãm phát triển, ví dụ như: Quy hoạch chồng quy hoạch, cả nước có gần 20.000 quy hoạch riêng lẻ, trong đó có hơn 8.000 quy hoạch chỉ vẽ ra cho có, không bao giờ thực. Tình trạng "lạm phát" quy hoạch diễn ra khi Bộ nào, ngành nào, tỉnh nào cũng làm quy hoạch khiến ngân sách Nhà nước mất gần chục nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây.

Chính vì vậy, khi Dự thảo Luật Quy hoạch bị lùi thời hạn thông qua đã đặt dấu hỏi về hệ quả, có thể làm chậm quá trình phát triển đất nước. Ông Đông phản biện: Tạm lùi thông qua để hoàn chỉnh và để đảm bảo tính khả thi, chất lượng cao hơn.

"Việc tạm lùi không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đất nước. Chính phủ đã có chỉ thị các cơ quan Bộ, ngành phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong thời gian chờ Luật Quy hoạch ban hành. Chính vì vậy không có chuyện bùng phát các quy hoạch nhân lúc Luật Quy hoạch chưa được thông qua", ông nói.

Luật Quy hoạch không thể là chuyện lợi ích của bộ nọ, ngành kia

Trả lời câu hỏi liên quan đến những ý kiến trái chiều của Bộ Xây dựng trước Quốc hội có hay không tác động làm Luật Quy hoạch bị lùi thời hạn thông qua, ông Đông khẳng định: Những ý kiến của Bộ Xây dựng đều là ý kiến đã cũ và cơ quan soạn thảo Luật đã phối hợp làm việc với Bộ Xây Dựng để giải quyết các vấn đề triệt để.

"Đây là trăn trở của các đại biểu Quốc hội về tính khả thi của Luật, những băn khoăn đó là cần thiết. Chúng tôi không hoài nghi, mà cầu thị, dân chủ và lắng nghe. Luật Quy hoạch không phải là câu chuyện lợi ích của bộ này với bộ kia, tranh cãi bộ này bộ kia mà mục đích cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc", ông Đông nhấn mạnh.

Về quan điểm thời gian 2 năm đưa lên, lật xuống nhưng Dự thảo Luật Quy hoạch vẫn bị lùi, trước mắt chỉ còn 4 tháng nữa, đây được xem là quá trình khó khăn, có thể dự án Luật sẽ tiếp tục bị "delay".

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ ngồi làm việc, cụ thể hoá từng câu, chữ và điều khoản với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Nếu có ý kiến khác, chúng tôi sẽ giải trình với Chính phủ, Quốc hội, làm khi nào hết việc thì thôi, để lợi ích cuối cùng cho đất nước.

Khi được hỏi có hay không câu chuyện vận động hành lang để dự án Luật Quy hoạch được thông qua hoặc không được thông qua. Ông Đông cho rằng: "Hiểu và thực hiện Lobby như thế nào là quyền của mỗi người. Qua các bài tham luận của các đại biểu Quốc hội, tôi thấy họ hiểu rất sâu về Luật Quy hoạch. Tôi tin rằng các đại biểu hiểu được đâu là Lobby vì lợi ích quốc gia, đâu là Lobby vì lợi ích cục bộ".

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng: Việc các cơ quan soạn thảo, tổ chức xã hội, chuyên gia đưa ra các ý kiến để vận động các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Luật Quy hoạch là rất bình thường, miễn là vận động ấy, ý kiến ấy được dân chủ và minh bạch vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề đã và được sử dụng ở nhiều quốc gia, Bộ KH&ĐT không thấy có gì vướng bận gì trong vấn đề này cả.

Nguyễn Tuyền