1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải lại bị Vinasun “tố” gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách

(Dân trí) - Không chấp nhận cách giải thích từ Bộ Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị chức năng "tố" Bộ này đã làm méo mó mô hình vận tải, gây hệ lụy lâu dài và là thủ phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Như Dân trí đưa tin, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) có đơn “tố” việc thí điểm ứng dụng taxi công nghệ Grab – Uber có nhiều khuất tất, đặc biệt là khâu phê duyệt thẩm định. Là đơn vị chủ trì đề án thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản giải trình từng nội dung phía Vinasun phản ánh.


Vinasun tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị chức năng tố Bộ GTVT làm méo mó mô hình vận tải, gây hệ lụy lâu dài và là thủ phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Vinasun tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị chức năng "tố" Bộ GTVT làm méo mó mô hình vận tải, gây hệ lụy lâu dài và là thủ phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Một tuần sau khi câu trả lời từ Bộ GTVT được phát đi, phía Công ty Vinasun đã có phản hồi. Theo Vinasun, văn bản trả lời của Bộ GTVT rất dài tới vài chục tờ giấy A4 nhưng lại vẫn giữ những đánh giá nhận định chủ quan, vo tròn các con số và chung chung, gạt bỏ các ý kiến của Hiệp hội, doanh nghiệp, bộ ngành, giới chuyên gia.

Vinasun cho rằng: Bộ GTVT đã không đảm bảo cơ sở thực tiễn, khoa học, khách quan, đã cố tình bảo vệ và đánh giá sai lệch đề án thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và Công ty TNHH Grab Taxi theo Quyết định số 24. Trên thực tế, Grab Taxi được thành lập tại Malaysia vào tháng 6/2012. Năm 2014, Grab Taxi đã chuyển trụ sở tới Singapore.

Tại Việt Nam, Grab Taxi được hiện diện vào tháng 2/2014 bởi Công ty TNHH Grab Taxi có trụ sở tại TP HCM. Đây là mô hình công ty thu hút đầu tư, chịu lỗ để làm thị trường, nhận nhiều nguồn tài chính từ tổ chức tài chính của Trung Quốc và một ngân hàng của Nhật Bản.

Theo Vinasun, đối diện với sự tăng trưởng nóng của ngành vận tải, TP.HCM vấp phải những vấn đề của đô thị lớn có dân số tăng quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng lại quá chật hẹp, quỹ đất dành cho giao thông thấp. Tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường chỉ khoảng 4.155 km, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng chỉ khoảng 8,5%, trong khi tiêu chuẩn là cần 22,3%.

Kể từ khi thí điểm mô hình taxi công nghệ, TP.HCM chứng kiến sự bùng nổ số lượng đầu xe từ con số 177 xe thời điểm năm 2014 lên đến 34.562 xe, tính đến cuối năm 2017 và đạt tổng lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trên địa bàn thành phố lên con số 44.167 xe.

Một sự tăng trưởng bất thường, đã xảy ra với Grab Taxi. Cụ thể năm 2016, số lượng xe của Grab tăng 12,151 xe; tháng 10/2017 tăng hơn 17.000 xe; tháng 12/2017 tăng hơn 18.800 xe và đến tháng 3/2018, số lượng xe của Grab đã tăng tới con số khủng khiếp 34.880 xe.

Sai lệch mô hình

Theo Vinasun, hợp đồng điện tử là khái niệm đánh tráo. Bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Bởi sử dụng Grab, Uber nhưng người tiêu dùng không thể tìm ra nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi. “Ai ký với ai? Nội dung hợp đồng như thế nào? Hợp đồng lưu ở đâu cũng không thể tìm ra”, Vinasun đặt câu hỏi và nói rằng “Không chỉ người dùng, cả Uber và Grab đều không đưa ra được hợp đồng vận tải đã ký kết cho dư luận xem”.

“Tăng trưởng xe khủng, trung bình Grab khuyến mãi 2,3 tỷ đồng/ngày. Điều này cho thấy mục tiêu lũng đoạn thị trường, lách luật, tiêu diệt doanh nghiệp Việt, chèn ép người lao động là rất rõ ràng”, Vinasun nhấn mạnh và cho rằng cách lý giải của Bộ GTVT rằng do không khống chế số lượng khiến đầu xe tăng và do nhu cầu tăng là "không có cơ sở khoa học và toàn diện".

Theo Vinasun, kể từ khi thí điểm mô hình taxi công nghệ, Việt Nam đã hình thành hàng loạt “hợp tác xã giấy” để đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải. Bởi, Quyết định 24 yêu cầu chỉ có doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được phép tham gia thí điểm.

Chính vì điều này mà chỉ trong vòng 2 năm, hàng loạt hợp tác xã được dựng lên để hợp thức hoá yêu cầu kể trên. Tính đến tháng 1/2018, riêng TP HCM đã có gần 120 hợp tác xã quản lý tới 21.000 xe. Các xã viên này không hề quản lý phương tiện mà chỉ cung cấp dịch vụ giấy tờ.

“Điều đáng nói là các xã phiên chỉ phải nộp một khoản phí hằng năm là được cấp phù hiệu xe hợp đồng để chạy Grab – Uber và HTX không phải lý nhân thân, hành trình phục vụ khách hàng, nghĩa vụ thuế, bảo hiểm của lái xe. Các xã viên là lái xe cũng không có quan hệ gì với Hợp tác xã, không có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi gì với HTX…”, Vinasun nhấn mạnh.

Đời sống người lao động bị đát, ngân sách thất thu

Vinasun cho hay, số lượng vận tải taxi đến cuối năm 2017 đã giảm mạnh từ 12.654 xe đã giảm xuống còn hơn 9.600 xe. Trong số này Mai Linh chiếm 3.539 xe, Vinasun chiếm 5.856 xe. 3 tháng đầu năm, số lượng đơn vị vận tải taxi truyền thống đã giảm xuống còn 16 đơn vị. 5 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động gồm Savico, Hoàng Long, Tràm Thành, Minh Đức Tân Phú và Công ty cổ phần Sài Gòn Sân bay. Tổng số xe hiện chỉ còn 8.500 xe.

“Kết cục dành cho cả doanh nghiệp, tài xế tác xi chính thống và cả tài xế Grab đều rất bi đát, ảnh hưởng tới đời sống lao động, việc làm của hàng trăm nghìn người lao động trên phạm vi cả nước”, Vinasun cho biết.

Hệ luỵ thứ 2 theo Vinasun là tình trạng Nhà nước thất thu thuế. Theo số liệu thống kê, doanh thu vận tải đường bộ toàn ngành trên địa bàn TP.HCM năm 2017 giảm đi 3.600 tỷ đồng, có nghĩa là cùng với tốc độ phát triển xe cực lớn mà doanh thu lại giảm đi. Năm 2017, doanh thu ngành tăng trưởng âm 22% so với năm 2016 và bằng 3 năm trước đó là năm 2014.

Chỉ trong vòng 2 năm đã có khoảng 50.000 xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia mạng lưới đối tác Grab – Uber. Với 50.000 xe chạy trên đường, gấp 1,5 lần số lượng xe taxi của cả Hà Nội và TP.HCM song nghĩa vụ thuế của hai hãng kể trên và các hợp tác xã lại rất ít.

Vốn điều lệ của Grab tại Việt Nam là 20 tỷ đồng, sau 2 năm thí điểm, hãng này công bố lỗ 938 tỷ đồng, nộp thuế 9,5 tỷ đồng. bằng 1/130 số thuế mà Vinasun đóng góp trong cùng thời gian.

Theo Vinasun, việc Uber được cho phép hoạt động và được dễ dàng rút khỏi Việt Nam với khoản tiền kếch sù, bỏ lại khoản thuế truy thu 53 tỷ đồng mà Grab tuyên bố không chịu trách nhiệm, bỏ lại hàng nghìn lao động mất việc làm đã đặt ra câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Ngoài lỗ hổng về thuế, theo Vinasun, sự có mặt của Grab, Uber kéo theo hệ luỵ là đẩy doanh nghiệp Việt đến bên bờ vực phá sản, không đủ khả năng đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ chính sách với người lao động; gây áp lực lên giao thông, hạ tầng, tiềm ẩn nhiều về nguy cơ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Vinasun cũng cho rằng, việc gia hạn thí điểm đề án cùng với việc không xem Grab – Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay việc trình duyệt, thẩm định, báo cáo Chính phủ của Bộ Giao thông Vận tải cũng có nhiều khuất tất cần được làm rõ.

H.Anh

Bộ Giao thông Vận tải lại bị Vinasun “tố” gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách - 2