1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ Công Thương: Lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đang chạy tối đa công suất

Thảo Thu

(Dân trí) - Thời gian qua có hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối, giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng chi phí kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở khâu bán lẻ nên có hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn đều đang vận hành ở công suất tối đa, quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Việc duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bộ Công Thương: Lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đang chạy tối đa công suất - 1

Thời gian qua có hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ đạo tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, khả năng sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu Bình Sơn và ý kiến của các Bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành hàng liên quan để xây dựng, ban hành Quyết định phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý IV để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Trước tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, hồi cuối tháng 8, Bộ này cho biết đã chỉ đạo thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối), không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh… 

Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 25 lần điều chỉnh với 13 lần tăng, 11 lần giảm và một lần giữ nguyên. Lần gần nhất giá xăng dầu điều chỉnh là hôm 21/9.

Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 630 đồng, về mức 22.580 đồng/lít và E5 RON 92 là 21.780 đồng/lít, tức giảm 450 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm mạnh hơn, với mức 1.650 đồng một lít, có giá bán tối đa là 22.530 đồng/lít. Tương tự, mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.970 đồng, còn 22.440 đồng/lít. Dầu mazut giảm 380 đồng/kg, chỉ còn 14.650 đồng.

Sau khi giảm, giá xăng đã về mức giá tương đương tháng 10/2021.