Bộ Công Thương: Dầu ăn bẩn không bán ở trong nước

(Dân trí) - “Dầu ăn bẩn mới được phát hiện ở Cty Đại Hạnh Phúc, ở Hóc Môn (TP HCM) không được bán ở thị trường trong nước”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ Công Thương tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 03/11.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo ông Cường, ngay sau khi Phòng Kinh tế Đài Loan gửi công văn lên các cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị xác minh 1 doanh nghiệp Việt Nam là đầu mối cung cấp dầu trong vụ dầu bẩn gây chấn động tại Đài Loan hồi tháng 9/2014, Bộ Công Thương cùng Bộ Y tế đã vào cuộc và qua kiểm tra các hoạt động kinh doanh và xuất khẩu từ năm 2011 – 9/2014 tại Công ty Đại Hạnh Phúc (TP HCM), và đưa ra kết luận:

Thứ nhất, Công ty Đại Hạnh phúc đã vi phạm các quy định về Vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc xuất khẩu dầu  ăn cho người khi chưa có giấy chứng nhận.

Thứ hai, qua các hóa đơn, chứng từ, Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng đưa ra kết quả: Công ty Đại Hạnh phúc không bán dầu ăn bẩn ra thị trường trong nước. Doanh nghiệp này chỉ sản xuất và xuất khẩu dầu sang 1 thị trường chính là  Đài Loan (Trung Quốc).

Bộ Công Thương: Dầu ăn bẩn không bán ở trong nước

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, dầu ăn bẩn không được lưu hành và tiêu thụ tại thị trường nội địa

Về các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Qua quá trình thu thập tài liệu và phối hợp kiểm tra, Bộ Công Thương khẳng định Cty Đại Hạnh Phúc đã cố tình làm trái các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu của các nhà sản xuất của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Theo đó, Công ty Đại Hạnh Phúc được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận với các ngành nghề là: sản xuất thức ăn gia súc, gia cẩm và thủy sản và sản xuất và chế biến dầu thực vật (nhưng không ghi rõ là dầu ăn làm thực phẩm cho người hay là thức ăn cho gia súc). Bên cạnh đó còn một số ngành nghề được phép hoạt động như: bán buôn và thương mại và sản xuất và chế biến gỗ.

Qua kiểm tra, hồ sơ lưu của công ty này hơn 1400 trang tài liệu, đối chiếu tờ khai hải quan từ tháng Giêng 2011 – 9/2014 công ty này đã xuất khẩu sang Đài Loan 276 lô hàng dầu mỡ, chủ yếu mỡ cá, heo, dầu dừa, mục đích ghi trong tờ khai và các vận đơn là làm thức ăn gia súc với khoảng 43.000 tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh xuất dầu ăn cho gia súc, các cơ quan chức năng cũng phát hiện từ tháng Giêng năm 2012 đến tháng 6/2014, công ty này đã lách luật bằng cách xuất khẩu xen kỹ 42 lô hàng, xấp xỉ khoảng 60 tấn (ghi để làm thực phẩm cho người) cùng với các lô hàng dầu làm thức ăn cho gia súc.

Qua kiểm tra, công ty này không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, theo Luật An toàn Vệ sinh thực phẩm có hiệu lực từ tháng 7/2011, tại khoản 10, Điều 5 của luật trên thì các công ty phải có giấy chứng nhận là cơ sở đủ An toàn vệ sinh thực phẩm mới được quyền sản xuất, phân phối và xuất khẩu dầu ăn làm thực phẩm cho người.

Như vậy, đối chiếu với giấy tờ kê khai hải quan, cùng với việc Công ty Đại Hạnh Phúc đã xuất hơn 60 tấn dầu có ghi phù hợp làm thực phẩm cho người từ tháng Giêng năm 2012 thì đây là hành động cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy phép kinh doanh. Vì Luật An toàn vệ sinh Thực phẩm đã có hiệu lực từ tháng 7/2011.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”