Black Friday ảm đạm, người mua ít, người xem nhiều, khách thử đồ xong về
(Dân trí) - Các thương hiệu tiếp tục tung khuyến mại lớn để kích cầu dịp Black Friday nhưng phần đông khách hàng thờ ơ do xu hướng thích mua hàng trực tuyến, các đợt khuyến mại không còn tạo hấp dẫn.
Hà Nội: Khách lười đi mua hàng vì mưa
Trưa 25/11, không khí tại các trung tâm thương mại, tuyến phố thời trang ở Hà Nội tương đối ảm đạm.
Theo ghi nhận của Dân trí, tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Aeon Mall ở Hà Nội… nhiều thương hiệu thời trang đồng loạt tung chương trình giảm giá lên đến 50-70%, hay mua 1 tặng 1. Dù vậy, lượng khách đến các trung tâm mua sắm này cũng không đông, chỉ tương đương những dịp cuối tuần cao điểm.
Thậm chí, các cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở phố Nguyễn Chí Thanh lúc 11h trưa nay - vốn là cao điểm đi săn hàng giảm giá Black Friday trước đây của dân công sở - cũng chỉ lác đác khách ở sảnh trung tâm. Ở một số cửa hàng thậm chí còn gần như không có khách.
"Từ sáng, nhiều khách vào xem, hỏi giá xong cũng đi ra ngoài luôn. Không thấy có những gia đình đến mua một lúc vài chục triệu như trước đây", một nhân viên bán túi xách nói. Nhân viên này cho biết lượng khách từ sáng đến trưa ngày Black Friday thậm chí còn thấp hơn ngày hôm qua. Hôm qua, buổi chiều ở đây còn không đủ chỗ gửi xe.
Ở các cửa hàng ở các tuyến phố thời trang như Cầu Giấy, Chùa Bộc… một vài nơi cũng có đông người đến. Nhưng nhìn chung sức mua trưa nay chưa sôi nổi như kỳ vọng của nhiều chủ cửa hàng.
Lý giải cho việc Black Friday năm nay chưa đủ sôi động, một số chủ cửa hàng cho rằng không chỉ năm nay, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, sức nóng của ngày lễ mua sắm Black Friday tại Việt Nam đã có phần hạ nhiệt.
Anh Tùng Lâm, chủ shop quần áo nam ở Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết không kỳ vọng nhiều dịp Black Friday năm nay. Cửa hàng của anh giảm giá 25-50% tùy mặt hàng. "Với những sản phẩm có giá tiền triệu, một số khách quen trước đây chi rất thoáng, giờ cũng phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần mới quyết định mua", anh Lâm nói.
Vẫn có cửa hàng quần áo có lượng khách đông. Chị Thu Thảo, chủ cửa hàng thời trang nữ tại Cầu Giấy cho biết sinh viên dịp giảm giá này tích cực săn mặt hàng đồng giá như 149.000, 199.000 đồng...
Nhiều khách hàng cho biết không hứng thú với việc đi săn hàng Black Friday bởi họ thích mua sắm trực tuyến hơn. Các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… từ trước ngày Black Friday đã nhập cuộc đua khuyến mại với nhiều voucher giảm giá trên sản phẩm, mã giảm giá vận chuyển, hàng đồng giá, hoàn tiền, hoàn xu... Nhiều sàn cho áp dụng cộng dồn các mã giảm giá, khách hàng sưu tầm được càng nhiều mã, số tiền được giảm càng nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu, cửa hàng đã kéo dài thời gian giảm giá thay vì chỉ trong một ngày như trước hoặc tung các chương trình khuyến mại trước đến một tuần. Các khách hàng vì vậy, có xu hướng đi mua sắm trước và sau ngày lễ chính thức với tâm lý ngại chen chúc.
Hoàng Nam, sống tại Hà Nội, nói: "Các deal giảm giá không quá chất lượng và hiện cũng có nhiều chương trình khuyến mại suốt cả năm nên không nhất thiết phải chờ Black Friday". Hoàng Nam cho biết các dịp lễ Black Friday những năm trước từng sẵn sàng chờ hàng tiếng đồng hồ để săn những món đồ công nghệ có thể rẻ bằng nửa giá niêm yết.
TPHCM: Khách thử đồ rồi đi ra
Hơn 11h, tại TPHCM, theo ghi nhận của Dân trí, trung tâm thương mại Vincom trên đường Lý Tự Trọng đã hết chỗ gửi xe máy. Muốn vào săn hàng Back Friday, nhiều người phải đi tiếp khoảng 50m rồi gửi xe máy ở vỉa hè với giá 15.000 đồng/xe.
Các gian hàng thời trang treo biển giảm giá tới 70% thu hút khá đông khách hàng. Cứ 15 phút tại một nhãn hàng thời trang nổi tiếng là có khoảng 15 khách hàng xem nhưng chỉ có khoảng 3 người đến quầy thanh toán.
Nói về lý do không mua hàng, chị Hạnh cho biết Black Friday năm nay để giảm đến 70% nhưng thực tế chỉ là sản phẩm làm "mồi" cho khách mua những sản phẩm khác. Những hàng cao cấp có mức giảm không nhiều.
"Năm nay kinh tế khó khăn, mua một món đồ phải cân nhắc, chúng tôi vẫn có tiền và sẵn sàng chi nếu tìm được món hàng ưng ý. Hàng thời trang có mẫu mã, màu sắc kém hơn Black Friday các năm trước", chị Hạnh cho biết.
Hai mẹ con chị Thu cũng không mua sản phẩm nào dù đã đi đến 5 cửa hàng thời trang do chưa chọn được sản phẩm có mẫu mã, giá tiền như ý. "Năm 2020, tôi mua một chiếc áo khoác đẹp, chất liệu vải tốt chỉ có giá 150.000 đồng. Năm nay, đi nhiều cửa hàng thì thấy đồ không đẹp mà còn đắt. Áo khoác thấp cũng có giá 350.000 đồng nên tôi chưa mua", chị Thu nói.
Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại sẵn sàng chi mạnh cho dịp này. Tuấn và Tú, 20 tuổi, mỗi bạn mua 3 đôi giày thể thao có mẫu mã khác nhau, đều được giảm giá 50%.
"Bọn em so sánh giá trước và đúng ngày Black Friday thì thấy đúng là giảm 50% bọn em mới mua. Đôi giày này bình thường 1,6 triệu đồng, hôm nay em mua còn 800.000 đồng thôi. Vì đã tìm trên mạng, so sánh giá nên chỉ chờ đúng ngày là bọn em tới mua", Tú nói.
Tại Vincom, nếu như ở các cửa hàng thời trang có 10 khách thì tại nơi bán túi xách, đồng hồ, hoặc hàng nữ trang chỉ có 1-2 người. Những người mua hàng thời trang đa phần là các bạn trẻ gia đình có điều kiện. Còn người đắn đo, so sánh và xem nhiều hơn mua đa phần là phụ nữ trung tuổi.
Một địa điểm lớn bày bán quần áo thời trang trên đường Cách Mạng Tháng 8 có không khí mua sắm khá buồn tẻ. Tại đây có hàng trăm gian hàng thời trang nhưng chỉ có khoảng vài chục người đến xem và ít người mua.
Thảo, Linh, Trang là 3 sinh viên Đại học Sài Gòn, tranh thủ giờ nghỉ trưa ghé trung tâm xem đồ thời trang nhưng không ai mua gì do là "rảnh đi cho có không khí, cũng không có sản phẩm ưng ý".
Nhiều cửa hàng thời trang trên đường 3/2 giảm giá các sản phẩm lên tới 70%, thậm chí 80% nhưng đến khoảng 12h hôm nay cũng hầu như không có khách ghé.
Ông Hà Ngọc Sơn - Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TPHCM - cho biết, chưa có con số thống kê nhưng ông lo ngại sức mua năm nay sẽ thấp. Lý do là kinh tế đang có tín hiệu chưa khả quan, đơn hàng không nhiều, lao động mất việc tăng nên người dân thận trọng với túi tiền của mình hơn. Tuy nhiên, TPHCM kỳ vọng dịp giảm giá sâu này sẽ khiến các doanh nghiệp bán được nhiều hàng để có doanh thu, bù lại những tháng không bán được.