Bình ổn giá: Người nghèo chưa được hưởng lợi

Nguyên GĐ Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - cho rằng: “Chương trình bình ổn hiện nay vẫn là bình ổn cho người giàu”.

Chương trình bình ổn giá năm 2013 đã diễn ra được hơn 3 tháng, nhưng kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực, giảm gánh nặng giá cả cho người dân vẫn chưa như mong muốn.

 

Nguyên GĐ Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - cho rằng: “Chương trình bình ổn hiện nay vẫn là bình ổn cho người giàu”.
 
Chương trình bình ổn giá, người nghèo vẫn ít được thụ hưởng (ảnh minh hoạ). Ảnh: T.L
Chương trình bình ổn giá, người nghèo vẫn ít được thụ hưởng (ảnh minh hoạ). Ảnh: T.L

 

Đang bình ổn cho người giàu?

 

Có ý kiến cho rằng, chương trình bình ổn giá như Hà Nội đang làm hiện nay là dùng tiền ngân sách cho vay lãi suất 0% để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu đang bộc lộ những hạn chế. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

 

- Tôi cho rằng, cách làm hiện nay là phi thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa siêu thị tham gia bình ổn và siêu thị không được tham gia bình ổn, giữa siêu thị trong nước và siêu thị của nước ngoài. Các siêu thị của nước ngoài hoàn toàn có thể kiện. Nhưng hiện nay họ quá mạnh, cho nên họ không kiện mà thôi.

 

Bình ổn giá là một chủ trương đúng, nhưng cách tổ chức thực hiện chưa hợp lý, dẫn đến hiệu quả bình ổn không như mong muốn. Hàng bình ổn vẫn bán theo kiểu phân phối thời bao cấp thì không thể bình ổn được.

 

Một vấn đề nữa là hệ thống phân phối hàng bình ổn hiện nay không rộng khắp. 70% nguồn hàng vẫn ở nội thành, tập trung ở các siêu thị, chỉ 20% về nông thôn. Đó là chưa kể năm thì mười họa mới có chuyến đưa hàng về nông thôn. Như vậy là chỉ bình ổn cho người giàu, còn người nghèo ít được thụ hưởng.

 

Quy định khi nào giá tăng 5-10% hoặc giảm dưới 10% thì các siêu thị tham gia bình ổn báo cáo Sở Tài chính, Sở Công thương xem xét, điều chỉnh giá bình ổn. Thời gian chờ duyệt nhanh nhất cũng phải mất một tuần. Một tuần đó thì giá thị trường có thể lên, xuống bao nhiêu lần rồi. Với cơ chế điều chỉnh giá vẫn còn bao cấp, không linh hoạt, không theo kịp thị trường như thế này thì rất dễ bị “con phe” lợi dụng.

 

Nhiều khi chính bản thân siêu thị không dám đưa nhiều hàng bình ổn ra để bán vì sợ đầu cơ. Như thế thì còn gọi gì là bình ổn nữa. Tóm lại, với cách làm hiện nay, đã khiến số tiền 318 tỉ đầu tư cho việc này không phát huy tác dụng, trong khi thu ngân sách rất khó khăn.

 

Như ông cho biết thì hàng hóa hiện nay vẫn bán theo kiểu phân phối, số lượng DN tham gia bình ổn ít nên không có vai trò dẫn dắt thị trường. Nên chăng cần phải có số lượng DN áp đảo, sản phẩm tung ra đúng thời điểm thì mới phát huy tác dụng?

 

- Đúng thế, hiện nay doanh số bán hàng của Hà Nội khoảng 5.000 tỉ đồng/tháng. Với số tiền 318 tỉ đồng được cấp cho các doanh nghiệp thì mới đáp ứng được 8% nhu cầu, chứ chưa được 10% như công bố. Như thế là quá ít, chẳng khác nào “muối bỏ bể”. Nguyên tắc của bình ổn giá là phải có lực lượng áp đảo, ít nhất phải chiếm 50-60% thị phần thì mới chi phối được thị trường. Như hiện nay, hơn 90% thị trường tự do quyết định giá. Như vậy thì làm sao bình ổn được.

 

Phải bình ổn từ khâu sản xuất!

 

Khác với mọi năm, năm nay Hà Nội chỉ đưa 7 mặt hàng thiết yếu vào diện bình ổn giá, đó là gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, dầu ăn, rau củ quả, thủy hải sản. Ông thấy cơ cấu hàng bình ổn này đã hợp lý chưa?

 

- Tôi cho rằng, đưa 7 mặt hàng này vào diện bình ổn vẫn là nhiều. Những mặt hàng như rau củ quả thường giá rất rẻ, có lúc bán như cho, rất ít khi sốt giá. Hay các mặt hàng khác, giá đang bình thường thì bình ổn làm gì? Trong khi đó, thủy hải sản đông lạnh vốn lớn, bán chậm thì lại đưa vào diện bình ổn. Tôi hỏi anh, có mấy bà nội trợ mua đồ thủy hải sản ăn hằng ngày? Do đó vốn nằm chết, rất lãng phí. Đó cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng vốn, lẫn lộn, nhá nhem rất khó kiểm soát. Việc sử dụng quỹ bình ổn hiện nay phụ thuộc vào sự trung thực của doanh nghiệp. Nếu họ cố tình lợi dụng thì cũng chịu.

 

Hiện nay TPHCM đã bỏ hình thức cho vay lãi suất 0%, thay vào đó là xã hội hóa, kết nối giữa các DN với ngân hàng để cho vay ưu đãi. Theo ông, Hà Nội có nên làm theo cách đó không?

 

- Rất nên học tập. Tôi cho rằng với cách làm như hiện nay của Hà Nội không những không thúc đẩy sản xuất, mà còn triệt tiêu sản xuất và dễ bị lợi dụng, ảnh hưởng đến ngân sách. Để bình ổn giá, chúng ta phải dùng biện pháp kinh tế, căn cứ vào quy luật cung - cầu để giải quyết, chứ không phải vấn đề dùng tiền như hiện nay. Số tiền đó nên đầu tư phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để tăng nguồn cung, khi nguồn cung tăng thì tự khắc giá cả sẽ giảm.

 

Bên cạnh đó cũng cần dự trữ hàng hóa, khi mặt hàng nào đó tăng giá sẽ tung mặt hàng đó ra một cách ồ ạt, đúng thời điểm, như vậy sẽ dập tắt ngay cơn sốt giá. Hiện nay việc này luôn luôn bị động, làm theo kiểu phong trào thì không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Minh Hạnh

Lao động