1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

"Big 4" ôm 4,9 triệu tỷ đồng, lãi suất huy động tháng 8 biến đổi thế nào?

(Dân trí) - Số dư tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh (big 4) đạt gần 4,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chiếm đến 53,8% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống, dù lãi suất chỉ 5,5-5,6%/năm.

4 ngân hàng quốc doanh "ôm" gần 4,9 triệu tỷ đồng tiền gửi

Số liệu từ báo cáo tài chính quý II của gần 30 ngân hàng cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 9 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2020.

Nhóm "big 4" có số dư tiền gửi lớn nhất với gần 4,9 triệu tỷ đồng, chiếm đến 53,8% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Trong đó, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, Agribank dẫn đầu ngành về quy mô tiền gửi với 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm. BIDV đứng thứ hai với gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% sau 6 tháng; Vietcombank và VietinBank lần lượt đều trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 1,9% và 5%.

Như vậy, nhóm ngân hàng quốc doanh có quy mô tiền gửi cao hơn 25 ngân hàng cổ phần tư nhân cộng lại, nhưng đây lại là nhóm ngân hàng có mức lãi suất ít biến động nhất trong 6 tháng qua và cũng là những ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường.

Big 4 ôm 4,9 triệu tỷ đồng, lãi suất huy động tháng 8 biến đổi thế nào? - 1

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, Agribank dẫn đầu ngành về quy mô tiền gửi với 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm (Ảnh: Quốc Chính).

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, lãi suất tiết kiệm trong tháng 7 ghi nhận mức giảm nhẹ 0,02% đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống còn trung bình 5,59%/năm. So với cùng kỳ, lãi suất tiết kiệm thấp hơn 0,99%.

Trong khi đó, trung bình tháng 7, lãi suất liên ngân hàng của 3 kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần đồng loạt giảm quanh mức 0,15%. Mức lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn đang thấp hơn so với trước khi có dịch Covid-19 (trung bình trên 3% trong năm 2019).

BVSC cho rằng, với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nhiều mặt của nền kinh tế, việc duy trì môi trường lãi suất thấp là cần thiết để giúp nhà điều hành thực thi các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Lãi suất huy động tháng 8 ngân hàng nào cao nhất?

Khảo sát biểu lãi suất tháng 8 từ các ngân hàng cho thấy, ngân hàng ACB bất ngờ đứng đầu với mức lãi suất 7,4%/năm. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất tiết kiệm này, khách hàng phải có khoản tiết kiệm số dư từ 30 tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp số tiền nhỏ hơn mức quy định, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất là 6,6%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.

Ở nhiều tháng trước, mức lãi suất cao nhất thuộc về ngân hàng OCB với 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, trong tháng 8, OCB đã dừng triển khai huy động vốn tại kỳ hạn này.

Xếp sau ACB là Techcombank với mức lãi suất triển khai cho kỳ hạn 12 tháng là 7,1%/năm. Khách hàng muốn được áp dụng mức lãi suất này phải gửi tối thiểu 999 tỷ đồng và biểu lãi suất này vẫn được ngân hàng duy trì từ 12/7 đến nay.

Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như: MSB với 7%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng mức 6,9%/năm… và phải áp dụng một số điều kiện đi kèm như mức tiền gửi lên tới 300 tỷ đồng.

SCB là ngân hàng trong nhóm cổ phần tư nhân có số dư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng lớn nhất với 479 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.

Trên thị trường, SCB đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi tiền online và tại quầy.

Ngoài ra, mức 6,8%/năm còn có tại NCB, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Tiếp đến là Sacombank, ACB và MB với số dư tiền gửi khách hàng lần lượt tăng trưởng 1,4%; 1,5% và 10,5% trong nửa đầu năm.

Xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đầu năm, TPBank là ngân hàng tăng nhanh nhất hệ thống với 13,9%.

Theo sau đó là Techcombank (13%), HDBank (133,7%), VIB (11,8%), MB và Kienlongbank cùng có mức tăng trưởng là 10,5%, OCB (10,4%)...

Ở nhóm "big 4", Agribank, BIDV, VietinBank có biểu lãi suất khá tương đồng, cao nhất là 5,6%/năm áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên.

Vietcombank niêm yết lãi suất thấp hơn so với 3 ngân hàng trên, hiện cao nhất chỉ 5,5%năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Công ty chứng khoán SSI đánh giá, các ngân hàng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục. Điều này kéo theo mặt bằng lãi suất huy động đi ngang thời gian này nhưng có thể tăng nhẹ 0,5% trong những tháng cuối năm nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm