Biểu đồ lãi suất: Đáng lẽ cong, sao lại thẳng?
Biểu đồ lãi suất huy động đang có xu hướng đi ngang, thay vì cong lên như nguyên lý huy động càng dài thì lãi suất càng cao.
Kể từ khi Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất VND theo xu hướng giảm dần, hiện tại, các ngân hàng đã cam kết giữ lãi suất huy động ở mức 11,2%/năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 3 tuần gần đây, lãi suất huy động nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tương đối giống nhau. Cụ thể, lãi suất huy động 3 tháng là 11% - 11,2%/năm; 6 tháng: 11% - 11,2%/năm; trên 12 tháng: 10,5% - 11,2%/năm.
Nhìn vào các con số trên, có thể thấy đường cong lãi suất huy động đang có xu hướng đi ngang thay vì cong lên như nguyên lý “huy động càng dài thì lãi suất càng cao”.
Nhìn nhận vấn đề này, đã có một vài lo ngại và liên tưởng đến diễn biến lãi suất của năm 2008. Thời điểm đó, lạm phát phi mã trên 20% nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ: nâng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, rút tiền gửi kho bạc, yêu cầu mua tín phiếu bắt buộc. Chính sách này cộng với yếu tố cân đối nguồn vốn không tốt ở các ngân hàng, đã đẩy họ vào tình thế bất ổn thanh khoản.
Tuy nhiên, so sánh với thời điểm hiện nay, một cán bộ Ban Kinh doanh nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) nói: “Xu hướng biểu đồ lãi suất đi thẳng là chuyện bình thường trên thị trường, không thể nói rằng, cứ “thẳng” là bất hợp lý và có dấu hiệu đe dọa thanh khoản”.
Vậy vì sao biểu đồ lãi suất lại đi thẳng thay vì cong lên như nguyên lý? Một chuyên gia của Hiệp hội ngân hàng cho rằng, các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất trung dài hạn tương đương lãi suất ngắn hạn là bởi tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn ở các ngân hàng vẫn còn thấp nên họ vẫn để lãi suất ở mức đó để tiếp tục thu hút tiền gửi.
Ngoài ra, do vướng phải “trần cam kết” (các ngân hàng đang cam kết lãi suất huy động ở mức 11,2%/năm) thì có muốn nâng lãi suất trung dài hạn cũng khó.
Chưa kể, mặc dù nền kinh tế đã sáng sủa hơn nhưng thị trường hàng hóa xuất khẩu vẫn chưa tốt hơn do châu Âu đang lún sâu vào khủng hoảng nợ, thị trường Mỹ chưa phục hồi nên doanh nghiệp chưa muốn vay kỳ hạn dài để mở rộng sản xuất kinh doanh và cầu vốn trung dài hạn ở các ngân hàng chưa trở lại nhịp độ quen thuộc của 3 - 4 năm trước đây.
Điểm tựa lãi suất ở đâu?
Đồng quan điểm trên, ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) cho rằng, không phải bao giờ lãi suất trung dài hạn cũng phải cao hơn lãi suất ngắn hạn, chúng ở mức nào là do hai yếu tố kiểm soát CPI và mức lãi suất trái phiếu Chính phủ quyết định.
Theo ông Vũ, hiện tại, Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu vẫn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp ở mức 5%/ năm, thậm chí vài phần trăm/năm nhằm khơi thông tín dụng, kích thích doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Trái lại, ở Việt Nam với mức lãi suất huy động 11,2%/năm vẫn bị coi là cao. Vì thế, kỳ vọng của thị trường, đặc biệt là của doanh nghiệp vay vốn vẫn mong muốn lãi suất thấp hơn nữa. Tuy nhiên, để làm được điều này thì trước hết, Nhà nước phải kiểm soát được lạm phát ở mức để người gửi tiền được lợi.
Ông Vũ nói: “Lãi suất luôn phụ thuộc vào kiểm soát lạm phát, nếu lạm phát ở xu hướng thấp thì lãi suất thị trường sẽ ở mức thấp bởi sự biến động của chúng luôn phụ thuộc vào việc biễn thiên của lạm phát”.
Nhìn lại diễn biến năm 2008, sẽ thấy rất rõ: khi lạm phát tăng cao, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến các ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản buộc phải huy động ở thị trường 1 và thị trường 2 để bù đắp và thực hiện các cam kết tài chính với khách hàng. Tất nhiên, ngân hàng phải chấp nhận duy trì lãi suất ở mức độ tiệm cận với thực dương thì người gửi tiền mới chịu gửi.
Liên quan tới mối quan hệ giữa lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất thị trường, có thể thấy, năm 2009 là năm không thành công của trái phiếu Chính phủ khi phần lớn các đợt phát hành đều trong tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, lại được mùa trái phiếu Chính phủ. Năm nay, VDB dự kiến phát hành 60 nghìn tỷ đồng, Kho bạc dự kiến phát hành khoảng 60 nghìn tỷ đồng và đến nay, cả hai đơn vị này đã hoàn thành ít nhất 50% kế hoạch.
Trong vòng 2 tháng gần đây, lãi suất trái phiếu Chính phủ 5 năm từ mức 12,3%/năm đã hạ xuống 11,3%/năm và gần đây là 10,3%/năm. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) nói: “Nên coi lãi suất trái phiếu Chính phủ là điểm tựa và định hướng cho lãi suất thị trường”.
Thực tế, mức dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ trong hai tháng qua từ 12,3% - 11,3% - 10,3% cho thấy, khi đi vay nợ người dân, Chính phủ đã bám sát hơn với thị trường. Hơn nữa, một phần “đầu ra” của ngân hàng là trái phiếu Chính phủ, nếu ngân hàng mua với mức 10,3%/năm trong vòng 5 năm thì đầu vào của ngân hàng phải thấp hơn mức này.
Vậy nên, nếu Chính phủ muốn lãi đường cong lãi suất ổn định và trở thành mạch máu cho nền kinh tế thì lãi suất trái phiếu Chính phủ phải hợp lý. Sự hợp lý này không những tạo nên ổn định vĩ mô mà còn đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia vào thị trường.