Bí tiền, sếp cầm đồ ô tô Mercedes lo thưởng Tết cho nhân viên
Những ngày cận Tết, cả DN lẫn người dân đều có nhu cầu cao về tiền mặt. Không biết vay đâu, nhiều người phải mang ô tô, xe máy đến các tiệm cầm đồ, lấy tiền trả nợ, chi tiêu nóng.
Anh Lê Văn Thảo, chủ đại lý kinh doanh gas tại đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, kể vừa phải mang chiếc Mercedes C200 ra tiệm cầm đồ để vay nóng 300 triệu đồng lấy tiền thanh toán lương, thưởng cho nhân viên. Cung cấp gas và bếp cho các cửa hàng nhỏ lẻ, nhiều cửa hàng cuối năm không chịu trả tiền, bí quá anh đành mang ô tô đi cầm.
"Giáp Tết, nhiều lần tôi đã phải làm như vậy vì cần tiền. Vay ngân hàng thủ tục rất khó và lâu. Gần Tết nhu cầu về tiền mặt cao, nên mỗi triệu tôi phải trả 4.500 đồng/ngày. Với lãi suất này, mình vẫn được ưu ái vì là khách hàng quen của tiệm cầm đồ cùng chiếc xe còn mới. Cuối năm nhiều cửa hàng cầm đồ còn nâng lãi lên 7.000 đồng, thậm chí tới 10.000 đồng /triệu/ngày", anh Thảo chia sẻ.
Anh Nguyễn Thành Cung ở Phố Nối, Hưng Yên, cũng cho hay đang chuẩn bị mang 2 chiếc xe Ford 16 chỗ của công ty đi cầm đồ, lấy tiền trả lương, thưởng Tết nhân viên. Bên anh là DN sản xuất hàng tiêu dùng, thường bị khách hàng nợ rất nhiều tiền. Hàng của DN cũng đưa vào các siêu thị, nhưng để được thanh toán thì chờ rất lâu, nhiều siêu thị hẹn sau Tết mới trả, vì vậy cuối năm rất bấn tiền. Vay ngân hàng không kịp, anh chỉ còn cách cầm đồ.
Anh Cung than thở: "Sắp nghỉ Tết, xe chở nhân viên không dùng đến nên tôi đem cầm. Tôi muốn vay khoảng 1 tỷ đồng, lãi suất mấy hôm nay tăng lên, thấp nhất cũng phải 5.000 đồng/triệu/ngày. Với 1 tỷ tôi sẽ phải trả lãi 5 triệu đồng mỗi ngày, nhưng không làm như vậy lấy đâu tiền trả lương thưởng cuối năm, chẳng lẽ lại nợ nhân viên?".
Ở một tiệm cầm đ trên đường Láng Hạ, một vị khách tay ôm khư khư túi tiền, tay kia điện thoại gọi chủ nợ đến nhận. "Tôi vừa đặt chiếc Hyundai Santa Fe lấy 200 triệu đồng trả nợ. Gần Tết họ đòi rát quá, không trả chắc khó ăn ngon ngủ yên. Lãi suất tôi phải chịu là 6.000 đồng/triệu/ngày", người này kể.
Tại tiệm cầm đồ ở Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhân viên trực ở cửa hàng hai tuần nay tất bật với công việc do lượng khách mang ô tô đến đặt nhiều gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ngày thường, mỗi tuần tiệm chỉ cầm từ 2-3 xe ô tô thì nay tới gần chục xe. Một người cần gấp số tiền lớn, có ngày cửa hàng xuất ra hơn 2 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu của khách. Bãi để xe đã chật kín.
Không chỉ khách đặt ô tô mà xe máy cũng nhiều. Nhiều nhất là sinh viên và công nhân. Họ về quê xa không mang xe máy về, trong khi cần tiền, thế làm mang ra cầm đồ. Sau ngày 23 tháng Chạp, số lượng xe máy mang đên cầm đồ tăng nhanh. Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên, công nhân do không có chỗ gửi xe máy, để tại nhà trọ, lo mất, cũng mang đến tiệm cầm đồ. Những người này thường chỉ cầm lấy 500.000 đồng thôi để trả lãi ít.
"Chúng tôi không cầm kiểu này vì chẳng khác gì giữ xe cho họ. Bây giờ yêu cầu cầm xe máy, thấp nhất cũng phải 5 triệu đồng trở lên, ngoài ra còn trả tiền gửi xe 20.000 đồng/ngày nữa", nhân viên một tiệm cầm đồ cho hay.
Dìm giá xe, nâng lãi suất
Sát Tết, các cửa hàng cầm đồ đang vào thời điểm hoạt động nhộn nhịp. Nhiều cửa hàng mở cửa từ 7h sáng tới 10 giờ đêm. Tại những cửa hàng có vốn lớn, chuyên cầm ô tô khách ra vào liên tục, nhiều người phải chờ đợi khá lâu. Đây là thời điểm kiếm ăn tốt nhất trong cả năm của các cửa hàng cầm đồ.
Ông chủ một cửa hàng kinh doanh xe cũ trên đường Phạm Hùng cho hay, từ giữa tháng đến nay đã cầm gần 10 chiếc xe sang các loại. Chiếc thấp nhất giá 500 triệu, cao tới 2 tỷ đồng. Lãi suất càng gần Tết càng cao hơn.
Có cửa hàng cầm đồ than đã bắt đầu cạn vốn do số lượng khách tăng nhanh.
Khi tiền sắp cạn mà ô tô xe máy vẫn đổ về, người cầm đồ sẽ phải chấp nhận lãi suất cao và định giá thấp. Một chiếc Honda AirBlade 125 còn khá mới mà cửa hàng cầm đồ trên đường Láng chỉ định giá có 15 triệu đồng; chiếc SH mode cũng chỉ có giá 25 triệu đồng. Không những thế, lãi suất cầm đồ tăng dần từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng, thậm chí là 10.000 đồng/triệu/ngày.
Tất cả ô tô, xe máy đều phải làm hợp đồng mua bán và công chứng. Nếu sau thời hạn thỏa thuận mà khách không mang tiền đến thanh toán, chủ tiệm được quyền bán cho người khác.
Cầm đồ ô tô, xe máy là khá chắc ăn, bởi các cửa hàng luôn định giá thấp hơn giá thực tế, nếu bán lại sẽ được lãi lớn. Những ngày thường, khách cầm ô tô xe máy chỉ ở mức 2.000 đồng/triệu/ngày, nhưng gần Tết thì tăng vọt.
Với mức lãi suất từ 5.000-7.000 đồng/triệu đồng/ngày như thời điểm này, tính ra lãi suất đang đạt tới 0,5% đến 0,7%/ngày, 15% đến 21%/tháng và 180% đến 252%/năm, cao gấp 9 đến 12 lần so với lãi suất cho vay tối đa theo quy định. Không những thế, các cửa hàng còn thu lãi trước, trừ ngay vào khoản tiền cho khách vay, nên càng cầm chắc đằng chuôi.
Với khoản lãi suất này, người vay thường phải chịu rủi ro lớn, nhất là sau Tết việc kiếm được số tiền lớn để lấy lại ô tô, xe máy không hề dễ dàng. Anh Thảo cho biết, đã từng mất 2 chiếc ô tô vì mang đi cầm đồ, nhưng không có tiền để lấy lại và bị chủ cửa hàng mang bán.
Nhiều của hàng cầm đồ không chỉ hưởng lãi trên số tiền cho vay mà còn mong khách không đến lấy ô tô xe máy đúng hẹn để có thể rao bán, hưởng lợi hơn nhiều. Một chiếc BMW 320i, đăng ký cuối năm 2016 có giá thực tế khoảng 1,3 tỷ đồng, nhưng cửa hàng cầm đồ chỉ định giá 800 triệu đồng, cho dù có bán rẻ chắc chắn vẫn lãi đậm.
Dịch vụ cầm đồ có thể gỡ khó tạm thời cho một số người trong cơn túng thiếu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng khi vừa mất tiền, vừa mất của.
Theo: Trần Thủy
Vietnamnet