Bị Mỹ gây khó dễ, các công ty Trung Quốc ồ ạt kéo nhau về Hồng Kông
(Dân trí) - Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, hàng loạt các công ty Trung Quốc hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ kéo nhau tìm đường về Hồng Kông.
Trước đó, Mỹ đã có hàng loạt động thái nhằm quản lý chặt chẽ hơn các công ty nước ngoài khi thương chiến với Trung Quốc gia tăng và ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vụ lừa đảo gây thiệt hại và mất lòng tin của các nhà đầu tư đối với các công ty Trung Quốc, tiêu biểu là vụ khai khống doanh thu lên đến 320 triệu USD của chuỗi cà phê của Trung Quốc- Luckin Coffee.
Trong tháng 5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về cơ bản có thể cấm các công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Những động thái trên giống như lời cảnh báo dành cho các công ty Trung Quốc hiện đang niêm yết tại Mỹ, thúc giục họ phải tìm một đường lui, và Hồng Kông đang được mở ra như một bến đỗ đầy hứa hẹn.
Yum China, tập đoàn điều hành thương hiệu Pizza Hut và KFC tại thị trường Trung Quốc đại lục, đã nộp đơn niêm yết trị giá 2 tỷ USD tại sàn chứng khoán Hồng Kông.
ZTO Express, công ty giao nhận hàng hóa được hậu thuẫn từ Alibaba cũng đang xem xét phát hành cổ phiếu và gia nhập nhóm các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tìm đường lui về Hồng Kông.
“Các công ty Trung Quốc háo hức với ý tưởng lên sàn lần hai tại thị trường Hồng Kông”, một nhà phân tích giấu tên cho hay. “Dù sàn giao dịch Mỹ không thể đuổi cổ họ trong vòng 3 năm tới, nhưng các công ty vẫn đang đẩy mạnh xem xét việc nộp đơn niêm yết tại thị trường Hồng Kông”.
Sàn chứng khoán tại Hồng Kông hiện đang là ngôi nhà của các tập đoàn nổi tiếng như tập đoàn Alibaba, công ty phát triển game NetEase hay công ty thương mại điện tử JD.com. Tính từ tháng 11 năm ngoái, 3 công ty lớn này đã huy động được hơn 20 tỷ USD đầu tư thông qua thị trường chứng khoán thứ cấp tại sàn Hang Seng (Hồng Kông).
Có khoảng 42 công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đủ điều kiện niêm yết tại Hồng Kông. Các nhà chuyên gia tại UBS cho biết, nếu các công ty phát hành 5% cổ phần tại thị trường Hồng Kông với tổng mức vốn huy động được có thể đạt 27 tỷ USD.
Theo CitiGroup, kể từ năm 1993, đã có 354 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã huy động được tổng cộng 88,5 tỷ USD. Trong những năm qua, 107 công ty đã bị xóa tên khỏi sàn giao dịch, và giá trị thị trường của những công ty hiện còn niêm yết vào khoảng 1.500 tỷ USD.
Yum China được tách từ công ty mẹ Yum Brand có trụ sở tại Mỹ vào năm 2016 và hiện là chuỗi nhà hàng lớn nhất của Trung Quốc, sở hữu trên 9.200 cửa hàng tại hơn 1.400 thành phố và thị trấn khắp nước này. Vốn hóa thị trường của Yum China là 19 tỷ USD.
Theo một nguồn tin, công ty đã chọn China International Capital Corp và Goldman Sachs làm đơn vị cố vấn cho kế hoạch lên sàn Hong Kong và sẽ nộp đơn xin cấp phép trong tuần tới.
Bên cạnh đó, ZTO Express đang thảo luận với các ngân hàng và có khả năng lên sàn sớm nhất trong cuối năm nay. Năm 2016, công ty đã huy động được 1,4 tỷ USD trong đợt chào bán công khai lần đầu (IPO). Công ty đang được định giá 29 tỷ USD và theo dự đoán, kế hoạch thâm nhập Hồng Kông có thể huy động thêm cho ZTO Express từ 1 - 2 tỷ USD.
Hương Vũ
Theo Nikkei Asian Review