Bị đường ngoại trợ giá, nhập lậu "tấn công", đường nội "cầu cứu" Chính phủ

(Dân trí) - Các doanh nghiệp trong ngành mía đường đề nghị Chính phủ kéo dài cơ chế hạn ngạch đối với đường nhập khẩu dù cho Việt Nam thực hiện hiệp định ATIGA về mía đường (bỏ thuế và hạn ngạch).

Mới đây, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp kêu cứu về thực trạng dù đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cấp công nghệ sản xuất song do các nước trong khu vực có chính sách trợ giá mía đường, đường nhập lậu lớn, nên các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đối diện với cạnh tranh bất bình đẳng, thua thiệt trên sân nhà và có thể bị xóa bỏ.

Bị đường ngoại trợ giá, nhập lậu tấn công, đường nội cầu cứu Chính phủ - 1

Đáng nói, Hiệp hội này dẫn Điều 24 của Hiệp định ATIGA mà các nước ASEAN cho phép các nước gánh chịu tổn hại của việc bỏ thuế, bỏ hạn ngạch ngăn chặn hoặc khắc phục tổn hại bằng việc đưa ra hạn ngạch nhập khẩu đường hoặc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch nói trên.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, thời điểm Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) cận kề khiến nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản. Bằng chứng là sau khi được cổ phần hóa, nhiều DN đường có tiềm lực lớn trong nước đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để phát triển nhà máy.

Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay, cả nước tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, nhiều nhất là mía đường Sơn La tồn kho gần 40.000 tấn đường, mía đường Tuy Hòa tồn 15.000 tấn...

Báo cáo của các nhà máy đường cho thấy hiện đã có 17/36 nhà máy thua lỗ 2 năm liên tiếp, một số doanh nghiệp mất vốn sản xuất do ngân hàng dừng giải ngân tín dụng. Nếu ngày 1/1/2020, nếu xóa bỏ hạn ngạch thuế quan, có 36 nhà máy đường đang hoạt động chịu tác động trực tiếp, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh trannh được.

Theo Hiệp hội mía đường, nguyên nhân chính khiến mía đường Việt thua và bị bức tử trên sân nhà là do đường nhập lậu, đường chính ngạch từ Thái Lan được Chính phủ nước này trợ giá ồ ạt vào Việt Nam.

Mỗi năm có khoảng 500.000 - 700.000 tấn, ngoài ra, một số lượng lớn đường nhập dùng chiêu "tạm nhập" không "tái xuất" khiến mặt hàng đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh, tồn kho ngày một lớn.

Nếu năm 2020, thực hiệp Hiệp định ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam, giá đường sẽ phải giảm xuống 15-20%, doanh nghiệp đường trong nước khó cạnh tranh nổi.

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện nhiều nước có ngành mía đường đều có chính sách bảo hộ bằng trợ giá.

“80% giá thành sản xuất đường là từ mía, trong đó, số tiền doanh nghiệp các nước bỏ ra để mua nguyên liệu được Chính phủ hỗ trợ một phần nên dù bán đường với giá rẻ, doanh nghiệp vẫn lãi. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam phải mua mía hoàn toàn bằng tiền của mình nên chi phí bỏ ra để sản xuất mía nhiều hơn. Khi giá mía thế giới thấp, doanh nghiệp phải chịu lỗ”, ông Lộc nói.

Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay: Tại Thái Lan, Chính phủ nước này quy định giá bán đường và giá mua mía, nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía. Trong trường hợp giá thấp hơn dự đoán, người trồng mía không phải trả lại thâm hụt, các nhà máy được bù đắp bởi Quỹ Mía đường do nhà nước điều hành.

Nghiên cứu tại Thái Lan, ông Lộc cho biết: Chính phủ Thái khuyến khích sử dụng đường trong kế hoạch kinh tế sinh học, cụ thể phân bổ 500.000 tấn đường để sản xuất xăng ethanol thay thế cho nguyên liệu sắn. Nước này cũng không cấp phép nhập khẩu hàng năm, doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu cũng rất khó xin giấy phép.

Theo Hiệp hội mía đường, hội nhập là tất yếu, nhưng cạnh tranh đang bất bình đẳng bởi các nước trợ giá, vì nhập lậu, gian lận thương mại ngày càng tăng. Ngành mía đường nước ta đang bị đẩy vào thế khó, hàng triệu hộ nông dân, hàng chục doanh nghiệp đường trong đang chịu tổn hại có thể dẫn đến “xóa sổ”.

Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp nên cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Mới đây, Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin chỉ đạo định hướng giá thu mua mía cho niên vụ 2019 - 2020, trong đó đề xuất tạm hoãn thực thi cam kết ATIGA để có đủ thời gian đánh giá chính xác, toàn diện và chuẩn bị hội nhập.

An Linh