Khánh Hòa:

Bí đỏ đổ đống đầy đường, trâu bò ăn không xuể

(Dân trí) - Dù đang là mùa thu hoạch bí đỏ nhưng do bị thương lái “ép giá” khiến hàng loạt nông dân ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) lâm cảnh nợ nần, bán cả trâu bò để trả nợ, bù lỗ.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Những ngày này, đến các xã chuyên trồng bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa như: Ninh An, Ninh Thân, Ninh Sơn… hàng trăm tấn bí đỏ được đổ thành đống bên vệ đường nhưng không có thương lái đến mua. Không ít hộ dân vì sợ mất cả vốn lẫn lãi nên đã “bán tháo bán đổ” với giá hết sức rẻ mạt từ 1.500 -2.000 đồng/kg, thay vì 6.000-7.000 đồng/kg như mọi năm.

Thậm chí bán với mức giá như vậy nhưng vẫn không có thương lái đến mua. Nhà nào nhà nấy bí đỏ chất kho hàng tấn rồi hư hại, phân hủy, hôi thối… buộc phải mang cho trâu, bò ăn. Bế tắc đầu ra, giá cả bèo bọt khiến người dân chán nản không thèm thu hoạch, bất chấp vẫn còn hàng trăm tấn bí đỏ chín rộ đang nằm “phơi mưa phơi nắng” trên rẫy.

Bán trâu, bò để trả nợ bù lỗ

Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Thân, cho biết mỗi năm toàn xã thu khoảng 1.000 tấn bí đỏ. Tuy nhiên, năm nay ngoài việc đầu tấn không đạt, trái nhỏ, méo mó… thì giá cả năm nay chỉ chưa bằng 1/3 so với mọi năm. Hiện xã vẫn còn hơn 250 tấn bí đỏ chưa thu hoạch. Nhiều khả năng số bí đỏ này sẽ mãi nằm nguyên ở rẫy do không có người mua.

Bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chất kho hàng tấn do giá cả quá bèo bọt.
Bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chất kho hàng tấn do giá cả quá bèo bọt.

Chị Nguyễn Thị Hoa, nông dân thôn Suối Méc (xã Ninh Thân) cho biết năm nay gia đình chị thu bí sớm nên bán với giá 3.000 đồng/kg, thay vì phải bán với giá 1.500-2.000 đồng/kg như các hộ dân khác. “Hai vợ chồng làm quần quật suốt ba tháng rưỡi, thu được 10 tấn bí nhưng bán ra chỉ lãi được 1,5 triệu đồng”, chị Hoa ngao ngán, tặc lưỡi tiếc rẻ cho công lao 2 vợ chồng.

Ông Phan Danh Hiếu, trưởng thôn Suối Méc kể mỗi mùa vụ bí đỏ, người dân phải vay 20-30 triệu đồng để đầu tư cho các khâu: giống, phân bón, công chăm sóc, phí vận chuyển… Thế nhưng mùa vụ năm nay, người dân thu vốn chỉ bằng một nửa nên không ít hộ đã phải bán trâu, bò để bù lỗ.

Ông Bùi Dữ, một người dân trồng bí đỏ thâm niên trong vùng cho biết mùa bí đỏ năm nay, ông thu được 8 tấn, nhưng chỉ bán được 4 tấn còn chở về 4 tấn. Mấy ngày qua, số bí không bán được có nguy cơ hư hỏng, phân hủy nên ông Dữ buộc phải băm nhỏ ra cho bò ăn.

Người dân băm cho bò ăn thay vì bán rẻ.
Người dân băm cho bò ăn thay vì bán rẻ.
Người dân băm cho bò ăn thay vì bán rẻ.

“Thương lái ép chúng tui quá trời. Lúc đầu thì mua 3.000 đồng/kg nhưng quả phải đạt mức trên 2kg. Những quả nào dưới 2kg thì họ bỏ ra, không mua. Hôm qua, tui mới chở đi bán chỉ 1.000 đồng/kg”, ông Dữ chua chát nói và cho biết năm nay ông lỗ 10 triệu đồng, dự định bán con bò đực để trả nợ.

Trồng tự phát - bài học muôn thuở?

Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Thân cho biết xã đã cố tìm nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng trên. Tuy nhiên, ông Đến nhấn mạnh hệ quả này là do người dân trồng bí đỏ tự phát, không chủ động được đầu ra, cứ đến mùa là trồng“vô tội vạ”.

“Thương lái họ cho rằng giá bí hạ là do thời vụ năm nay ở nhiều nơi trùng nhau, nhu cầu năm nay không cao so với mọi năm. Mặt khác, họ nói cước vận tải tăng, trong khi họ không được phép chở quá tải…”, ông Đến nói.

Bí vẫn chất đầy đường chờ thương lái đến mua với giá từ 1.500 -2.000 đồng/kg.
Bí vẫn chất đầy đường chờ thương lái đến mua với giá từ 1.500 -2.000 đồng/kg.

Nói về nguyên nhân sụt giá, bà Trần Thị Út, một thương lái mua bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa - cho biết họ không cố tình ép giá mà là do thị trường năm nay lượng bí đỏ quá nhiều, tiêu thụ không hết. Năm ngoái, bí đỏ nhập ở thị trường các tỉnh Nam bộ rất đạt, nhưng năm nay ở Đồng Nai lượng bí đỏ cũng tăng đột biến nên rất khó cạnh tranh. Các thương lái đã cố gắng chuyển bí đỏ ra thị trường miền Bắc tiêu thụ, nhưng chỉ bán được số lượng nhỏ giọt.

Nông dân ở thị xã Ninh Hòa bức xúc cho rằng thương lái đã “lật kèo” họ. “Lúc chưa hái thì thương lái tới đặt cọc 5-7 triệu đồng, thống nhất 3.000 -3.500 đồng/kg. Nhưng khi hái xuống, họ ép giá chúng tôi còn 2.000-2.500 đồng/kg với lý do các nơi không thu nữa?”, một người dân bức xúc.

Viết Hảo
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”