1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bí ẩn của cổ phiếu giá ưu đãi

Cùng với sự nóng lên của thị trường chứng khoán (TTCK), hàng loạt công ty đã và đang tiến hành phát hành cổ phiếu (CP) mới với giá ưu đãi cho các cán bộ điều hành để thu hút nhân tài, bán CP giá ưu đãi cho đối tác chiến lược... Thế nhưng không có nhiều cổ đông biết được một bí ẩn.

Trong số các công ty phát hành CP ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (chủ yếu cho cán bộ điều hành cốt cán), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) là 2 công ty thuộc diện đứng đầu về số lượng phát hành.

Sacombank đã công bố phát hành tới 30 tỉ đồng CP mới cho các cán bộ điều hành cốt cán chỉ với giá bằng 1,5 lần mệnh giá (giá thị trường của Sacombank ngày 23/3 là 16,5 lần so với mệnh giá). SSI công bố phát hành 10 tỉ đồng CP mới cho cán bộ, nhân viên với giá bằng 5 lần mệnh giá (giá thị trường của SSI ngày 23-3 là 25,2 lần mệnh giá).

Một chuyên gia về chứng khoán nhận xét về việc phát hành này như sau: "Khi đưa ra đại hội cổ đông, không có nhiều người hiểu được một sự thật của việc bán CP với giá ưu đãi cho cán bộ điều hành cốt cán: đó chính là chi phí lương của các cán bộ này và đây là một khoản chi phí cực lớn".

Nếu tính theo giá thị trường ngày 23/3 thì chi phí nhân sự của Sacombank là 450 tỉ đồng (giá thị trường là 495 tỉ đồng, giá bán ưu đãi là 45 tỉ đồng); chi phí của SSI là 202 tỉ đồng (giá thị trường là 252 tỉ đồng, giá ưu đãi là 50 tỉ đồng).

Vị chuyên gia này cho biết: "Điều đáng nói là những khoản chi phí này lại là một khoản chi phí ẩn và không được đưa vào chi phí kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều cổ đông đã phải thông qua một khoản chi phí cực lớn nhưng lại không biết.

Tại các nước khác, các khoản chi phí này được tính vào chi phí kinh doanh và các cổ đông phải cân nhắc rất nhiều khi thông qua phương án này". Vị này cũng nhận xét thêm: "Do các cổ đông không hiểu rõ về loại chi phí ẩn này nên việc thông qua phương án phát hành CP ưu đãi cho cán bộ điều hành cốt cán mới được thông qua dễ dàng như vậy".

Một cổ đông của Sacombank thì nhận xét: "Trường hợp phát hành nhiều CP ưu đãi cho cán bộ điều hành mà không làm rõ ràng về chi phí ẩn của việc phát hành sẽ không đảm bảo công bằng về quyền lợi cho các cổ đông không phải là người điều hành. Một hệ quả là những chi phí ẩn đã làm thu nhập của công ty bị suy giảm đáng kể mà các cổ đông không biết".

Trao đổi với báo giới chiều 23/3, phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán rất lớn của nước ngoài cho biết, tại các nước có TTCK phát triển, việc phát hành CP với giá ưu đãi cho các cán bộ điều hành phải được tính vào chi phí lương của nhân viên và việc bán các CP có giá giảm hơn so với giá thị trường này thường được gắn với những thời điểm cụ thể.

Thêm vào đó, việc phát hành CP kiểu này được kiểm soát khá chặt chẽ bởi các cổ đông và cơ quan quản lý về TTCK (tại Việt Nam là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).

Vị phó tổng giám đốc này nhận xét: "Nếu bán CP ưu đãi với giá rất thấp cho một số cán bộ điều hành cốt cán mà không làm rõ các chi phí ẩn ở trong đó là điều không công bằng đối với các cổ đông khác".

Vị này cũng cho biết thêm, quỹ phúc lợi cũng là yếu tố riêng có của Việt Nam do "thừa hưởng" từ các công ty nhà nước. Về mặt nguyên lý kế toán thì các khoản chi từ quỹ phúc lợi vẫn là một loại chi phí và theo nguyên tắc kế toán phải được tính vào chi phí để báo cáo trước các cổ đông.

Chiều 23/3, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI cho biết: "Tất cả những vấn đề này đều do đại hội đồng cổ đông quyết định. Họ có thể thông qua hoặc không thông qua phương án bán CP với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên. Tôi cũng xin lưu ý là làm ra lợi nhuận là do bộ máy điều hành và cần phải có những chính sách để thu hút nhân tài. Nếu không đem lại cho họ đủ ưu đãi thì họ có thể đi nơi khác và đó là quyền của họ".

Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm