Bay ngàn cây số ra Hà Nội, nhót bao tử Đà Lạt khiến chị em "phát sốt"
(Dân trí) - Mặc dù có giá khá “chát” khoảng 600.000 đồng/kg nhưng món nhót bao tử Đà Lạt vẫn khiến chị em Hà Nội rút ví ầm ầm.
Vừa đặt 1kg nhót bao tử Đà Lạt trên mạng, chị Thu Quỳnh (Minh Khai, Hà Nội) tâm sự, đây là năm thứ 3 liên tiếp chị ăn món quà vặt đắt đỏ này. Nhót thường được chị chấm với muối súp chua cay hoặc chế biến làm món chẩm chéo nổi tiếng của Tây Bắc.
“Giờ mua 600.000 đồng/kg vẫn còn rẻ chán, chứ cuối vụ lên tới 700.000 - 800.000 đồng/kg là chuyện thường. Vì nhót này chủ yếu là hàng loại tuyển và được vận chuyển bằng đường hàng thông” - chị nói.
Theo chị Quỳnh, loại nhót bao tử Đà Lạt thường được thu hoạch vào tháng 8 hàng năm. Do là hàng trái vụ nên lượng quả đậu không nhiều, sản lượng chỉ bằng 1/4 so với nhót chính vụ. Do đó, giá nhót thường bị đẩy lên cao so với mặt bằng chung.
Cũng là người nghiện nhót, chị Tạ Hiền (Đại La, Hà Nội) năm nào cũng đặt mua vài cân bỏ tủ lạnh ăn dần. Hàng năm, cứ vào tháng 3, chị lại túi lớn túi nhỏ mua nhót miền Bắc, đến tháng 8 thì lại đặt hàng nhót Đà Lạt.
"Cũng xót ví lắm nhưng nghiện rồi biết làm thế nào được, bởi tính ra, 1kg nhót bằng 2kg thịt bò. Không những thế, vào cuối vụ, tôi còn phải chấp mua ở mức 800.000 đồng/kg, nghĩa là cao gấp 4 lần so với nhót miền Bắc chính vụ" - chị kể.
Là đầu mối chuyên hoa quả ở Hà Nội, chị Nguyễn Ninh cho biết, giá nhót bao tử năm nay nhỉnh hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg so với mọi năm. Giá về tới Hà Nội dao động từ 600.000 - 800.000 đồng/kg.
Để khách đỡ xót tiền khi rút ví, chị thường chia nhót ra từng túi nhỏ với trọng lượng 200g. Tuy thuộc hàng đắt đỏ nhưng nhót xanh với tiểu thương luôn là mặt hàng bán chạy nhất và nói không với ế. Theo tiết lộ, trung bình mỗi ngày, chị Ninh bán ra thị trường từ 3 - 5kg nhót xanh Đà Lạt.
"So với quả chín, nhót bao tử có vị chua hơn nhưng bù lại thì ăn được cả hạt. Khi mua về chỉ cần rửa sạch, ai kỹ tính thì có thể lau qua phấn trắng rồi dầm muối ớt là ngon miễn chê" - chị Ninh nói.
Tương tự, chị Bùi Lan, tiểu thương ở chợ Đại Từ (Hà Nội) cho hay, để mỗi ngày có 5 - 7kg nhót bao tử, chị phải đặt đơn với mối buôn cả tháng. Bởi quả về đến đâu là hết sạch ngay đến đấy, nếu chậm chân là dễ có thể không có hàng.
"Thực ra, khi nhót về đến tay người tiêu dùng là đã chuyển qua nhiều mối trung gian, nên sẽ bị đội giá. Không những thế, việc vận chuyển bằng máy bay cũng là một nguyên nhân. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, vì mọi thứ tốt thì không có chuyện rẻ" - chị Lan tiết lộ.