1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Bầu sữa” ODA đang nuôi lĩnh vực nào?

(Dân trí) - Trong giai đoạn 2010-2014, đã có hơn 10 tỷ USD vốn ODA cấp cho lĩnh vực giao thông vận tải, chiếm tỉ lệ trên 37%. Trong khi ODA cho y tế - xã hội chỉ chiếm 4,54% và cho giáo dục, đào tạo là 3,84%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh vừa thay mặt Chính phủ báo cáo lên Quốc hội tình hình ký kết và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015.

Vốn ODA dành cho giao thông vận tải chiếm tỉ trọng lớn (ảnh: Hữu Nghị)
Vốn ODA dành cho giao thông vận tải chiếm tỉ trọng lớn (ảnh: Hữu Nghị)

Theo đó, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ giai đoạn 2010-2012 đạt gần 21,8 tỷ USD. Từ năm 2013, khi Việt Nam trở thành đối tác phát triển, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) không có cam kết ODA.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, “mức cam kết ODA thể hiện sự đồng tình và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Việt Nam; sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam”.

Tuy nhiên, trên thực tế, tổng vốn ODA được ký kết giai đoạn này là 16,1 triệu USD và con số giải ngân đạt chưa tới 11,4 tỷ USD.

Tính trong cả giai đoạn 2010-2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế đạt trên 27,1 tỷ USD. Trong đó vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ước đạt 25,7 tỷ USD chiếm khoảng 94,95%; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ước đạt 1,37 tỷ USD chiếm khoảng 5,05% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết cho thời kỳ này.

Trong khi đó, giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2010- 2015 ước đạt gần 27,2 tỷ USD, bằng 88,7% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong thời kỳ này.

Theo nhận xét của Bộ KH-ĐT, tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có nhiều cải thiện, từ mức hơn 3,5 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,6 tỷ USD năm 2014.

Bộ KH-ĐT cũng cho biết, các lĩnh vực giao thông vận tải, môi trường (cấp, thoát nước, đối phó với biến đổi khí hậu,…) và phát triển đô thị, năng lượng và công nghiệp là những ngành có tỷ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi tương đối cao. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, y tế, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, tăng cường năng lực thể chế... chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2014, đã có hơn 10 tỷ USD vốn ODA cấp cho lĩnh vực giao thông vận tải, chiếm tỉ lệ trên 37%. Trong khi ODA cho y tế - xã hội chỉ chiếm 4,54% và cho giáo dục, đào tạo là 3,84%.

Cập nhật giai đoạn 9 tháng đầu năm 2015, Bộ KH-ĐT cho biết, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết đạt trên 2,7 tỷ USD, trong đó hầu hết là vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA chỉ ở mức xấp xỉ 32 triệu USD. Ước thực hiện cả năm 2015 ký kết đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Bích Diệp

“Bầu sữa” ODA đang nuôi lĩnh vực nào? - 2