Bầu Long: Nhảy vào nông nghiệp không phải theo "mốt"

(Dân trí) - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, đối với kế hoạch "nhảy" vào nông nghiệp sẽ được thực hiện thận trọng nhưng cũng đầy "máu lửa".

Bầu Long: Nhảy vào nông nghiệp không phải theo mốt
Bầu Long: Thức ăn chăn nuôi là một ngành thiết yếu với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Hòa Phát là đại gia tiếp theo có quyết định bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây, Tập đoàn này đã có quyết định thành lập công ty con 100% vốn thực hiện các hoạt động chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. 

Trả lời câu hỏi cổ đông về lý do bước chân vào một lĩnh vực rất mới này, tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng nay (31/3), ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho hay, thức ăn chăn nuôi là một ngành thiết yếu với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng, lớn hơn cả ngành thép nên đi kèm với thách thức là rất nhiều cơ hội phát triển. 

Thêm vào đó, tuy là một ngành mới nhưng lại có nhiều điểm phù hợp với truyền thống kinh doanh của công ty và từng được đề xuất triển khai từ hơn chục năm trước đây. "Có ý kiến cho rằng lĩnh vực này là mốt mà các tập đoàn lớn nhảy vào nhưng trường hợp Hòa Phát không phải như vậy. Việc người khác làm tôi không quan tâm, Hòa Phát đi đúng yêu cầu và đúng truyền thống của Hòa Phát", ông Long nói.

Theo ông Long, lĩnh vực nào cũng khó khăn, thậm chí ngành chăn nuôi còn khó khăn và nhiều cạnh tranh hơn cả ngành thép. Việc triển khai cũng mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu với rất nhiều thận trọng nhưng nếu gặp cơ hội tốt sẽ phát triển ngành này thành ngành hàng mũi nhọn của Tập đoàn với mục tiêu năm 2020 sẽ có 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn, doanh thu đạt 15.000-20.000 tỷ đồng, tương đương với ngành thép hiện tại.

"19 năm trước khi bước chân vào ngành thép nhiều người nghĩ "Hòa Phát biết gì mà làm" nhưng đôi khi không phải cứ có thế mạnh mới làm được. Đối với nền kinh tế mở như Việt Nam thì không có gì là hoàn toàn mang tính truyền thống, hầu hết đều phải bắt đầu từ con số 0. Nếu cứ e ngại cạnh tranh thì không có gì để làm cả. Tuy nhiên, sẽ chỉ làm rộng, làm lớn nếu thực sự có hiệu quả", ông Long nhấn mạnh. 

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông, chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2015, lãnh đạo Hòa Phát cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 22.500 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức năm 2015 dự kiến là 20%. "Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 khá khiêm tốn so với năm ngoái là do năm nay không có nguồn lợi nhuận từ dự án Madarin khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường khó khăn, giá thép liên tục sụt giảm để giữ được kế hoạch lợi nhuận như vậy đã tốt lắm rồi", ông Long nói tiếp.

Đối với những cạnh tranh trong ngành thép, dù khẳng định đủ khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc và Formosa nhưng ông Long cũng thừa nhận, cạnh tranh trên thị trường hết sức gay gắt, áp lực cũng rất lớn. Phía Tập đoàn đặt mục tiêu đảm bảo sản lượng và doanh số không giảm còn lợi nhuận thì cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường.

"Nhu cầu sắt thép trên thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 10-12%, trong khi năng lực sản xuất tăng trưởng trên 20% khiến cung dư thừa, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào FTA, dự kiến sắp tới có thể có thêm 5-7 FTA nữa khiến độ mở thị trường rộng hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành thép mở rộng thị trường", ông Long cho biết thêm.

Phương Dung


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”