Doanh nghiệp tuần qua:

Bất ngờ về học vấn của "siêu lừa" Mr. Pips, vụ án 5.200 tỷ đồng rúng động

Mai Chi

(Dân trí) - Vụ bắt giữ TikToker Mr Pips Phó Đức Nam gây rúng động tuần qua. Công chúng cũng dành sự quan tâm đến các nội dung kinh tế khác trong đó có công ty con trai tỷ phú Vượng.

Vai trò của con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại công ty hợp tác với Soobin Hoàng Sơn

Ngày 8/12, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn bất ngờ thông báo trở thành đại sứ thương hiệu của FGF. Trên trang web của FGF cũng đăng tải thông tin xác nhận nam ca sĩ là đại sứ thương hiệu và là mảnh ghép hoàn hảo của doanh nghiệp trong sứ mệnh mang đến những trải nghiệm di chuyển cao cấp, sáng tạo và đầy khác biệt.

Bất ngờ về học vấn của siêu lừa Mr. Pips, vụ án 5.200 tỷ đồng rúng động - 1

Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn là đại sứ thương hiệu của FGF (Ảnh: FBNV).

FGF là tên viết tắt của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF. Doanh nghiệp này tự giới thiệu FGF là viết tắt của For Green Future (Vì tương lai xanh), hoạt động trong lĩnh vực mua bán và cho thuê xe điện VinFast. Công ty này ra đời với mục đích gia tăng khả năng tiếp cận ô tô điện cho đông đảo người dân, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, góp phần hiện thực cam kết Net Zero vào năm 2050.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty được thành lập ngày 2/7 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm 3 cá nhân. Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp 180 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ. Hai cá nhân khác gồm ông Nguyễn Đức Minh góp 200 triệu đồng (tương đương 0,1% vốn) và ông Phạm Khắc Phương góp 19,8 tỷ đồng (tương đương 9,9% vốn).

Lúc mới thành lập, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đức Minh (sinh năm 1984). Đến ngày 1/8, hai vị trí này được chuyển cho ông Phạm Nhật Minh Hoàng (sinh năm 2000). Ông Hoàng chính là con trai thứ 2 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. 

Về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cho biết không chỉ mua bán xe điện mà còn cung cấp dịch vụ cho thuê xe có tài xế hoặc không có tài xế đối với cá nhân và doanh nghiệp.

Tại thời điểm 30/9, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF chưa xuất hiện trong danh sách 112 công ty con và công ty liên kết của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024.

Lộ diện nữ tổng giám đốc 8X của Google Việt Nam

Website của Google vừa cập nhật thông tin cho biết các nhà quảng cáo trong nước sẽ thực hiện thủ tục về thuế thông qua Công ty TNHH Google Việt Nam, thay cho Google Asia Pacific trước đây. Việc chuyển đổi sẽ thực hiện từ ngày 1/4/2025.

Theo thông báo, Công ty Google Việt Nam sẽ là đơn vị ký kết hợp đồng và lập hóa đơn cho dịch vụ. Cũng chính công ty sẽ tính 10% thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam.

Kể từ ngày 1/3/2025, các đối tác trở thành khách hàng của bất kỳ sản phẩm nào được liệt kê trong phần Việt Nam, Công ty TNHH Google Việt Nam sẽ là đối tác chính thức chịu trách nhiệm.

Công ty này có vốn điều lệ 140 tỷ đồng, hoàn toàn thuộc sở hữu của Google Apac Technology Pte. Ltd. (trụ sở tại Singapore). Trụ sở của công ty đặt tại tòa nhà M-Building, quận 7, TPHCM.

Bất ngờ về học vấn của siêu lừa Mr. Pips, vụ án 5.200 tỷ đồng rúng động - 2

Tổng giám đốc Google Việt Nam (Ảnh: Google).

Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc là bà Hoàng Thị Ngọc Diệp (sinh năm 1982). Thông tin về bà Diệp trùng khớp với thông tin cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nhãn hiệu Việt (mã chứng khoán: ABR). Bà Diệp bắt đầu là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này từ tháng 4/2021.

Bà Diệp được giới thiệu sinh ra tại Hải Phòng, có trình độ thạc sĩ. Nữ doanh nhân sinh năm 1982 từng là luật sư tại Công ty Luật TNHH Mayer Brown giai đoạn 2007-2009. Từ năm 2020 đến năm 2022, bà Diệp là giám đốc tại Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ tư vấn Di Linh. Bên cạnh đó, bà còn là tổng giám đốc hoặc giám đốc tại một số công ty khác. 

Báo cáo quản trị cho thấy bà Diệp đại diện cho công ty Quang Thái sở hữu 39,07% vốn Công ty cổ phần Đầu tư Nhãn hiệu Việt.

Bất ngờ về danh tính công ty liên quan đến TikToker Mr Pips Phó Đức Nam

Chiều 10/12, Công an TP Hà Nội đã công bố thông tin về việc bắt giữ Phó Đức Nam, hay còn được biết đến với tên TikToker Mr Pips , tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các đối tượng lập trang web "artexvina.co" để xây dựng hình ảnh công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán quốc tế. Hiện trang web này đã không còn truy cập được.

Hơn 2.600 người đã bị lừa đảo, với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên tới hơn 5.200 tỷ đồng. Số tài sản này đã bị công an thu giữ và phong tỏa.

Thông tin từ một số website tuyển dụng cho thấy trang "artexvina.co" được xây dựng bởi Công ty TNHH Artex Vina. Công ty này tự giới thiệu là thành viên của một tập đoàn nước ngoài, quy mô 100-499 nhân viên, chuyên tư vấn giải pháp đầu tư chứng khoán vào cổ phiếu các tập đoàn đa quốc gia như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas.

Theo Cổng thông tin quốc gia đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Artex Vina được thành lập ngày 23/10/2020. Trụ sở doanh nghiệp đặt tại tòa nhà Citylight Tower, quận 1, TPHCM. Vốn điều lệ là 100 triệu đồng.

Ban đầu công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, không có ngành nghề nào liên quan tới chứng khoán. Trong bản đăng ký kinh doanh cũng không nêu thông tin về chủ sở hữu. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là bà Vũ Hạnh Lộc (sinh năm 1989).

Đến tháng 12/2020, doanh nghiệp thay đổi thông tin về đăng ký kinh doanh. Mặc dù không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, công ty Artex Vina vẫn đăng tuyển nhân sự tư vấn đầu tư chứng khoán, đầu tư tài chính. Thậm chí các vị trí này chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT, không yêu cầu kinh nghiệm với mức lương từ 10-30 triệu đồng. 

Học vấn của siêu lừa Mr Pips: IELTS 8.5, học bổng toàn phần tại Singapore

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, thành viên ban chuyên án cho hay Mr Pips có kiến thức rất tốt về tài chính, kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phó Đức Nam là một trong ba người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành học về công nghệ thông tin.

Nam cũng có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, có chứng chỉ IELTS 8.5. Khi thương thảo với người nước ngoài, Nam có thể giao tiếp trực tiếp, không cần phiên dịch viên.

Bất ngờ về học vấn của siêu lừa Mr. Pips, vụ án 5.200 tỷ đồng rúng động - 3

Siêu lừa Mr. Pips (đồ họa: Tuấn Huy).

Theo Công an Cầu Giấy, Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) đã câu kết với một nhóm đối tượng người nước ngoài để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp, như GTMX, ALPHA TRDING, IQX, LONDONEX, IBMEX, ISWISS, TRUST, JASFX...

Trong 44 văn phòng được Nam và Ngọ thành lập tại Việt Nam, các đối tượng đặt 24 văn phòng tại Hà Nội, do 1.918 đối tượng quản lý. Những văn phòng còn lại đặt tại TPHCM, TP Đà Nẵng và Campuchia.

Ngày 25/10, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội bắt giữ các đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây tội phạm.

Quá trình điều tra, nhà chức trách thu giữ, phong tỏa 316 tỷ tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 mô tô hạng sang, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương... Bên cạnh đó, nhà chức trách đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.

Tổng tài sản bị thu giữ, phong tỏa ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Vụ TikToker Mr Pips bị bắt cùng 5.000 tỷ đồng: Mr Hunter là ai?

Liên quan vụ bắt giữ TikToker Mr Pips Phó Đức Nam (ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố 26 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can tội Rửa tiền, 1 bị can tội Không tố giác tội phạm và 1 bị can tội Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đáng chú ý, bên cạnh Phó Đức Nam, một TikToker nổi tiếng khác là " Mr Hunter", tức Lê Khắc Ngọ (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị cơ quan điều tra khởi tố và đang tiến hành truy bắt. 

Lê Khắc Ngọ (SN 1990) trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội là một cái tên nổi tiếng trong giới đầu tư tài chính. Trên các tài khoản mạng xã hội, Ngọ thường chia sẻ về quan điểm, kiến thức tài chính - đầu tư và xây dựng hình ảnh bản thân là một "chuyên gia tài chính hàng đầu" hay "triệu phú tự thân" đi lên từ con số 0. 

"Anh là nhà đầu tư thành công tự do tài chính từ lúc 31 tuổi, đang là cố vấn phát triển cho các công ty môi giới và quỹ đầu tư quốc tế tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam. Đồng thời là một nhà đầu tư tự do thành công và đang làm việc cho quỹ đầu tư KG của Thổ Nhĩ Kỳ", một bài viết giới thiệu về Ngọ.

Lê Khắc Ngọ chia sẻ mình đã từng vấp ngã, từ việc khởi nghiệp với số nợ hơn 2 tỷ đồng khi chỉ mới ở độ tuổi 20 đến việc trở thành một nhà đầu tư và cố vấn tài chính nổi tiếng. TikToker này còn tổ chức các lớp học tài chính, hội thảo chia sẻ nhiều kiến thức đầu tư, làm giàu... Trên nền tảng TikTok, Lê Khắc Ngọ cũng thường nhận định về xu hướng giá vàng hay phân tích các biểu đồ giá, mô hình nến dự đoán thị trường chứng khoán... 

Mr Hunter tự giới thiệu đã có hơn một thập kỷ tham gia vào thị trường chứng khoán - tài chính, thu hút khoảng 350 người đồng hành, hỗ trợ hơn 1.000 nhà đầu tư và tổ chức hơn 100 buổi chia sẻ về tài chính.

Trong một nhóm trên Telegram với hơn 720 thành viên, người này thường chia sẻ về cuộc sống giàu có, thông tin các khóa học đầu tư và cách thức đặt lệnh giao dịch vàng thế giới hàng ngày. 

TikToker Dưỡng Dướng Dường bị phạt vì bán hàng không rõ xuất xứ

Thông tin từ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Nam cho biết ngày 3/12, đơn vị này vừa tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Dưỡng Dướng Dường tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh Dưỡng Dướng Dường do ông Mai Văn Dưỡng làm người đại diện đang bày bán 50 gói bột xông nhà có giá niêm yết 125.000 đồng/gói và 10 hộp nụ trầm hương giá 450.000 đồng/hộp. Tổng giá trị hàng hóa gần 11 triệu đồng.

Tất cả sản phẩm đều không có căn cứ xác định nguồn gốc xuất xứ bao gồm thông tin trên nhãn, bao bì hàng hóa, hồ sơ, tài liệu kèm theo. Ông Dưỡng cũng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.