Bất ngờ tại cổ phiếu từng khiến ái nữ Tân Hiệp Phát "sa lầy" lỗ đậm
(Dân trí) - Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, cổ phiếu YEG của Yeah1 có chuỗi tăng rất ngoạn mục, tăng xấp xỉ 59%.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 tiếp tục tăng trần lên mức giá 18.650 đồng.
Trước đó, YEG đã có chuỗi tăng rất ấn tượng. Nếu tiếp tục giữ được đà tăng trần trong phiên hôm nay thì Ban lãnh đạo YEG sẽ phải giải trình về diễn biến tăng trần 5 phiên liên tiếp của cổ phiếu. Tính từ phiên 29/9 tới nay, chỉ trong khoảng nửa tháng giao dịch, YEG đã tăng xấp xỉ 59% bất chấp thị trường chung rung lắc và có những phiên điều chỉnh mạnh.
Diễn biến tăng bốc của YEG diễn ra bất chấp động thái bán ra cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp.
Cụ thể, Yeah1 đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 45 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 9. Trong tổng số 450 tỷ đồng huy động được, Yeah1 dùng 137 tỷ đồng thanh toán tiền góp vốn và/hoặc thanh toán nợ vay đối với Công ty TNHH 1Production; 23 tỷ đồng thanh toán tiền góp vốn và/hoặc thanh toán nợ vay Công ty TNHH Yeah1 Up; 290 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Trong đợt chào bán riêng lẻ trên, ông Đào Phúc Trí mua 3,5 triệu cổ phiếu YEG; bà Lê Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT công ty mua 4,2 triệu cổ phiếu YEG; ông Chế Đoàn Viên mua 3,7 triệu cổ phiếu YEG; bà Nguyễn Thị Khánh Hòa mua 3,7 triệu cổ phiếu YEG... Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Vốn điều lệ Yeah1 sau phát hành tăng lên mức 755 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 15/9, ông Đào Phúc Trí - Thành viên HĐQT Yeah1 - đã bán ra 344.296 cổ phiếu YEG (lượng cổ phiếu này là cổ phiếu nắm giữ trước khi thực hiện quyền mua trong đợt phát hành riêng lẻ) để giảm sở hữu từ 5,04% về còn 4,59% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.
Cùng ngày, Công ty cổ phần Unicorn Venture - tổ chức liên quan đến ông Đào Phúc Trí - cũng bán toàn bộ 100.000 cổ phiếu YEG nắm giữ.
Tương tự, ông Nguyễn Viết Cường - một nhà đầu tư cá nhân - đã bán ra 100.000 cổ phiếu YEG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,97% và không còn là cổ đông lớn từ ngày 2/10 ngay sau khi ông này vừa trở thành cổ đông lớn hôm 29/9.
Nhìn vào diễn biến tăng của YEG từ cuối tháng 9 đến nay, dễ thấy rằng các cá nhân và tổ chức trên đã để lỡ thời điểm "được giá" và hụt một khoảng lợi nhuận do chênh lệch thị giá YEG hiện nay so với nửa tháng trước rất lớn.
Tới đây, vào ngày 16/10, Yeah1 sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, trong đó công ty này dự kiến trình thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 20/10 đến 30/10.
Trên thị trường sáng nay (11/10), YEG tạm dừng chân tại mức giá tham chiếu 17.450 đồng, trong khi thị trường chung điều chỉnh. VN-Index đánh mất 3,21 điểm tương ứng 0,28% còn 1.140,48 điểm.
Cổ phiếu YEG từng là một hiện tượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018. Cổ phiếu niêm yết với mức giá "khủng" lên tới 250.000 đồng và từng vượt mốc 300.000 đồng/cổ phiếu. Mức đỉnh giá (sau điều chỉnh) của YEG xác lập tại 319.000 đồng vào đầu tháng 6/2018. Đến thời điểm này, YEG đã "bốc hơi" 94,5% so với đỉnh giá.
Với diễn biến trên, YEG cũng là "niềm đau" của nhiều nhà đầu tư, trong đó không thể không kể đến ái nữ Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương.
Cuối tháng 5/2022, bà Trần Uyên Phương đã phải bán cắt lỗ hầu như toàn bộ cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp này (khoảng 14,3% ở thời điểm trên), chỉ còn sót lại 262.624 cổ phiếu YEG, chiếm tỷ lệ 0,86%.
Việc bán ra của bà Phương hồi tháng 5/2022 chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận nhưng giá cũng phải hạ xuống rất thấp và chấp nhận mất 60-70% so với lúc mua vào.
Do không còn là cổ đông lớn và cũng không còn nghĩa vụ báo cáo giao dịch, nên không rõ bà Phương đã bán sạch cổ phiếu sau đó hay chưa.
Về phần bà Phương, trên cương vị Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương đã bị khởi tố và bắt tạm giam hồi đầu tháng 4 để điều tra tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.