1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bất ngờ bị công ty tài chính "khủng bố" đòi nợ dù không vay

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Chị Trang bất ngờ nhận được hàng loạt cuộc gọi tin nhắn đòi nợ 40 triệu đồng dù chưa từng vay. Các đối tượng chửi rủa, dọa bêu rếu thông tin nếu không trả tiền khiến chị phải đổi số điện thoại.

Tá hỏa khi mắc nợ, người thân bị làm phiền

Gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện tình trạng nhiều người phản ánh dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các công ty tài chính, ngân hàng, ứng dụng cho vay tiền… nhưng bị một số đối tượng không quen biết "khủng bố" đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn. Có trường hợp bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội, thậm chí dọa đánh, giết…

Chị Hà Trang (Hà Nội) 2 tháng trước bỗng nhiên nhận được cuộc điện thoại, tự xưng là nhân viên công ty tài chính đòi 40 triệu đồng. Chị Trang có hỏi lại là công ty nào, có nhầm số không và đối tượng không trả lời, chỉ liên tục hăm dọa đòi trả tiền.

"Khi tôi nói tôi không nợ, yêu cầu đưa bằng chứng, họ không đưa trực tiếp nhưng nói có đầy đủ hồ sơ, có chữ ký xác nhận vay tiền và hình ảnh chứng minh thư. Nếu không trả nợ sẽ bêu rếu trên mạng và in hình dán khắp khu tôi ở", chị Trang nói. Chị cho biết bên cạnh đòi nợ, các đối tượng này còn chửi rủa, dọa đánh bằng nhiều số điện thoại khác nhau khiến chị và gia đình lo lắng tới mất ngủ.

"Tôi có thử kiểm tra số điện thoại nhưng lại chỉ ra sim rác, nhiều số thử gọi lại nhưng không hề có tín hiệu", chị nói. Đỉnh điểm, các đối tượng này thậm chí gọi điện cho mẹ chị và yêu cầu nhắc con gái trả nợ khiến mẹ chị hoảng loạn.

Bất ngờ bị công ty tài chính khủng bố đòi nợ dù không vay - 1

Khách hàng bị "khủng bố" tin nhắn đòi nợ bất chấp không vay tiền (Ảnh chụp màn hình).

"Tôi không rõ tại sao họ lấy được số mẹ tôi. Sau đó tôi đã tháo sim cả máy tôi lẫn máy mẹ, chuyển sang số điện thoại khác", chị kể. Chị Trang nói việc đổi số điện thoại gây ảnh hưởng cuộc sống cá nhân khi nhiều người thân quen không thể liên hệ nhưng hiện chị không nghĩ ra cách nào khác. "Tôi sẽ chờ một thời gian nữa xem sao", chị thông tin.

Anh Vũ Quân (Ninh Bình) cũng gặp tình trạng bên đòi nợ không cung cấp thông tin về khoản vay nhưng liên tục "khủng bố" anh thông qua điện thoại, hình ảnh.

"Bỗng nhiên tôi nhận được hình họ lấy ảnh trên facebook của tôi ghép với một người nào đó chưa từng gặp, rồi bảo đây là bằng chứng tôi đi vay nợ", anh Quân kể việc họ đòi 15 triệu đồng dù chưa từng vay. Kinh khủng nhất, những đối tượng này còn lập nick facebook ảo và đăng lên mạng bêu rếu anh, nói nếu không trả sẽ tính lãi tăng và thuê người đến tận nhà đòi nợ.

"Bạn bè, người thân còn gọi điện hỏi tôi làm ăn ra sao mà đi vay tiền không trả bị người ta bêu rếu nợ và chửi bới vậy. Tôi tá hỏa, không hiểu chuyện gì đang diễn ra", anh nói mệt mỏi khi bị oan rơi vào người. Có hôm anh nhận tới cả chục cuộc gọi đòi nợ.

Một lần, những đối tượng liên tục gọi, anh Quân phải dùng chiêu bảo đang ở trên công an phường. "Tôi bảo tôi không liên quan gì đến mấy người, đang đi trình báo, nếu đúng là tôi nợ thì mấy người tới đây công an phân bua. Sau đó các đối tượng này mới dập máy và không gọi nữa", anh Quân bức xúc vì bị vu khống suốt hơn một tuần.

Bất ngờ bị công ty tài chính khủng bố đòi nợ dù không vay - 2

Nhiều người báo chị người lạ lấy hình đăng vào các nhóm đòi nợ dù không vay (Ảnh chụp màn hình).

Làm gì khi bỗng nhiên bị "khủng bố" tin nhắn?

Trường hợp của anh Quân và chị Trang không phải là cá biệt. Những vụ việc như vậy đã liên tục xảy ra và được công an nhiều tỉnh, thành lên tiếng cảnh báo. Nguyên nhân ban đầu, theo giới chuyên gia, có thể xuất phát từ việc bị lộ thông tin cá nhân, dẫn đến việc các đối tượng xấu có cơ sở để lợi dụng lừa đảo, không đòi được tiền người này sẽ gọi điện cho người thân họ để đòi.

Theo cơ quan chức năng, trước hết, người gặp tình huống trên cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, việc cần làm là hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Người trao đổi lưu ý trong quá trình nói chuyện thì không được cung cấp thông tin cá nhân cho bên đòi nợ.

Kế tiếp, họ nên sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ, khóa bình luận của người lạ trên mạng xã hội.  

Người bị làm phiền cũng có thể đến trực tiếp cơ quan công an để trình báo về hành vi của tổ chức, cá nhân đòi nợ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm