Bắt lắp mào như taxi truyền thống, tài xế Grab tính bỏ việc, người dùng tính mua xe riêng

(Dân trí) - Bắt buộc lắp mào taxi cho xe hoạt động trên ứng dụng như quy định hiện tại của Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi sẽ có nhiều tác động về mặt xã hội, cũng như kiềm chế sự phát triển của kinh tế chia sẻ.

Bỏ việc vì không muốn xe bị ảnh hưởng

Nhiều tài xế Grab cũng như một số hãng taxi công nghệ khác đều phản đối việc gắn mào/hộp đèn cố định cho xe.

Nhiều tài xế Grab cũng như một số hãng taxi công nghệ khác đều phản đối việc gắn mào/hộp đèn cố định cho xe.

Theo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe.

Tuy nhiên, phản hồi về quy định này, nhiều tài xế Grab cũng như một số hãng taxi công nghệ khác như  Emddi, Vato,… đều phản đối và cho rằng điều này không giúp ích gì cho công việc của họ hay việc quản lý của các cơ quan chức năng.

“Xe của chúng tôi đều là xe cá nhân nên tất nhiên là chúng tôi không muốn sơn logo hay gắn mào, hộp đèn cố định vào. Mặc dù sử dụng ô tô của mình để kiếm thêm thu nhập nhưng ngoài lúc đi làm ra, chúng tôi vẫn dùng xe cho các mục đích cá nhân nữa chứ”, anh Nguyễn Đạt Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tài xế của hãng xe Grab gần 2 năm nay chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên, nếu bắt buộc phải lắp mào/hộp đèn cố định cho xe cá nhân, các tài xế đều chần chừ, thậm chí họ sẽ cân nhắc bỏ việc vì không muốn xe của mình bị ảnh hưởng.

Do đó, điều này có thể khiến nguồn cung xe ít hơn, trong khi nhu cầu về đi lại vẫn giữ nguyên, sẽ khiến khách hàng khó đón xe hơn và giá cước cũng cao hơn làm cho lợi ích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Không có mào vẫn quản lý tốt

Các chuyên gia cho rằng, việc gắn mào xe cho Grab hay các hãng taxi công nghệ khác là không cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng, việc gắn mào xe cho Grab hay các hãng taxi công nghệ khác là không cần thiết.

Thực chất, theo một số chuyên gia, mào taxi có tác dụng giúp khách hàng nhận diện phương tiện là taxi để tiện bắt xe trên đường, để thanh tra và công an giao thông dễ phát hiện xe taxi dù cũng như tổ chức giao thông đô thị tốt hơn.

Tuy nhiên, trong khi taxi cần có hộp đèn/mào để khách dễ nhận diện, thì các thông tin về tài xế, biển số xe, màu xe, mẫu xe,… của các hãng taxi công nghệ đều đã được hiển thị trên ứng dụng. Vì vậy, hành khách hoàn toàn không cần đến hộp đèn/mào để nhận diện xe.  

Bên cạnh đó, thông tin cụ thể về xe ô tô và đối tác tài xế cũng được các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe và các hợp tác xã hay công ty vận tải quản lý. Cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy xuất các thông tin này khi có vấn đề xảy ra đối với chuyến xe.

Hơn nữa, về tâm lý, người Việt có xu hướng rất coi trọng việc sở hữu chiếc xe cá nhân, coi đó là biểu tượng của sự khá giả và thành đạt. Xe hoạt động qua ứng dụng giúp họ có cảm giác đi xe cá nhân chứ không phải taxi.

“Tôi hay đi Grab hay các hãng taxi công nghệ một phần cũng vì cảm giác như mình được đi xe riêng, có tài xế riêng. Nếu giờ Grab cũng phải gắn mào xe hay hộp đèn như taxi thường thì có gì khác nhau giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ đâu. Thế thì tôi thà mua xe riêng đi còn hơn”, chị Trần Hương Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội thật thà chia sẻ.

Vì vậy, nếu các xe hoạt động qua ứng dụng bị bắt buộc phải lắp mào/hộp đèn thì sẽ hạn chế các lựa chọn của người tiêu dùng và họ có thể muốn sở hữu ô tô riêng. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu cần nhiều chỗ đỗ xe hơn, lượng xe chạy rỗng trên đường cao hơn và góp phần gây ra tắc nghẽn giao thông trong thành phố.

Việc người dân sở hữu xe cá nhân nhiều hơn cũng sẽ hạn chế nỗ lực của Chính phủ về giới hạn phương tiện cá nhân và thúc đẩy giao thông công cộng, tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng giao thông hay áp lực lên môi trường,…

Ủng hộ sử dụng đèn LED thay mào

Các tài xế ủng hộ việc gắn đèn LED có thể tháo lắp dễ dàng hơn việc gắn mào cố định.

Các tài xế ủng hộ việc gắn đèn LED có thể tháo lắp dễ dàng hơn việc gắn mào cố định.

Theo một số tài xế chạy xe ứng dụng, cùng với phù hiệu xe kinh doanh, đèn LED sẽ hiển thị mục đích của chiếc xe đối với các cơ quan chức năng để xác định đó là xe kinh doanh để quản lý và kiểm tra.

Nhìn chung, ứng dụng gọi xe cho phép và khuyến khích việc sử dụng xe nhàn rỗi trong xã hội để cung cấp dịch vụ vận tải. Điều này giúp giảm nhu cầu xã hội đầu tư vào phương tiện mới, đồng thời tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho lái xe. Điều này có tác dụng bổ sung để giảm tắc nghẽn vì giảm lượng xe mua mới và giảm chỗ đậu xe.

“Việc bắt buộc lắp mào hay hộp đèn taxi cố định khiến tôi không muốn chạy cho Grab hay bất kỳ hãng taxi công nghệ nào nữa. Nhưng một bảng đèn LED có thể tắt và gập lại khi xe khi không hoạt động có thể khiến tôi suy nghĩ lại, vì ngoài chạy xe kiếm thêm thu nhập tôi cũng dùng xe để đi làm, đi chơi đây đó, nếu cứ có mào hay hộp đèn taxi thì bất tiện lắm”, anh Hoàng Xuân Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.

Chính phủ Việt Nam ghi nhận rằng kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của sự phát triển công nghệ để tiết kiệm chi phí giao dịch, tiếp cận một lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Đây là một xu hướng kinh tế không thể chối bỏ.

Cách tiếp cận chính sách của Chính phủ về kinh tế chia sẻ là tạo điều kiện cho nó được sinh ra và phát triển, nhưng không được bỏ mặc hoặc cấm nếu không thể quản lý được. Đây cũng là các bước cần thiết mà Chính phủ và các bộ liên quan đang làm để xây dựng một khung pháp lý hợp lý cho kinh tế chia sẻ.

Hồng Vân

banner_chan-bai.gif