Bắt hàng rởm trên Facebook, quản lý thị trường “đóng giả” người mua rồi lần theo shipper

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết, gian lận thương mại điện tử rất phổ biến qua phương thức bán hàng trên Facebook. Tiến tới cần kiến nghị, phối hợp với Facebook làm sao có thể đóng tài khoản theo yêu cầu từ phía Việt Nam khi phát hiện bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Bắt hàng rởm trên Facebook, quản lý thị trường “đóng giả” người mua rồi lần theo shipper - 1
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo tại cuộc họp.

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương tại cuộc làm việc ngày 23/8, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hàng nhái, hàng giả được bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Thậm chí đầu năm 2019 còn phát hiện gian hàng trên Lazada bán vũ khí, sau đó cơ quan chức năng phải làm việc với chủ sàn này để gỡ xuống.

Theo ông Linh, có 3 loại hình thương mại điện tử cần đặc biệt quan tâm vì tiềm ẩn rất nhiều vấn đề hiện nay đó là sàn giao dịch thương mại điện tử; bán hàng trên mạng xã hội; website thương mại điện tử.

Trong đó các vi phạm xảy ra ở sàn thương mại điện tử, ông Linh cho rằng, nguyên nhân đến từ việc ông chủ sàn không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

“Có hàng triệu ông bán hàng trên sàn, số sản phẩm cũng vô hạn nhưng ông chủ sàn đã lập ra sàn thì ông phải chịu trách nhiệm. Do vậy, kiến nghị là cần ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử để họ quản lý tốt hơn”, ông Linh nói.

Một nguyên nhân khác được ông Linh đề cập nữa đó là sự dễ dãi tại môi trường thương mại điện tử, bất kỳ ai cũng có thể tham gia bán hàng, đăng ảnh hàng chính hãng nhưng lúc giao thì hàng rởm, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiên theo Tổng cục quản lý thị trường, việc phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử rất khó khăn.

Bởi nếu thương mại truyền thống có địa điểm bán hàng, kho bãi rõ ràng thì thương mại điện tử nhiều khi địa chỉ giao dịch một nơi, kho hàng một nẻo.

“Anh em quản lý thị trường nhiều khi phải đóng giả người mua hàng rồi lần theo người giao hàng tới kho. Nhưng các kho hàng này nhiều khi cũng được người bán thuê căn hộ chung cư nên việc kiểm tra là rất khó. Hiện nay các địa chỉ mua bán online thường ở Hà Nội, TP.HCM rồi sau đó qua phương thức mua bán giao dịch trên mạng, hàng hoá toả đi khắp các tỉnh”, ông Linh nói.

Ông Linh cũng cho rằng, việc xử lý hàng gian, hàng giả trên mạng xã hội như Facebook là vấn đề nan giải. Tiến tới cần phối hợp với hãng để sau khi phát hiện các tài khoản bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ... thì họ phải có trách nhiệm đóng theo yêu cầu của mình.

Đưa ra con số cụ thể về phát hiện vi phạm trong lĩnh vực này, ông Linh cho biết: Tại TP.HCM, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, lập biên bản 337 vụ, tổng số tiền gần 8 tỷ đồng trong năm 2018.

Còn tại Hà Nội, riêng trong 2 tháng gần đây phát hiện xử lý 35 vụ, tổng số tiền gần 600 triệu đồng.

Một số vụ việc điển hình là kiểm tra hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại Công ty TNHHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam, gần 11 tỷ đồng. Cơ sở kinh doanh Thanh Mộc Hương, gần 2 tỷ đồng; kiểm tra ở KS Mariot; Vụ bán điện thoại Samsung S10+ siêu rẻ...

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường tiến hành rà soát các website, kiểm tra phân loạt các website, ứng dụng thương mại điện tử các nhóm mặt hàng được phẩm, mỹ phầm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Đồng thời tập trung vào những mặt hàng giả, nhái nhiều như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ và các mặt hàng kinh doanh có điều kiện...

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, những hiệu quả tích cực do thương mại điện tử mang lại. Tuy nhiên nếu cơ quan chức năng quản lý không tốt, thương mại điện tử sẽ thành mảnh đất dung dưỡng cho hàng giả, lừa đảo, phá hoại sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Công Thương cũng đã gay gắt “truy” trách nhiệm các đơn vị có liên quan trong việc để xảy ra gian lận thương mại trong thương mại điện tử thời gian qua.

Bộ trưởng đặt câu hỏi, những đơn vị như Tổng cục quản lý thị trường, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Cục thương mại và kinh tế số… đã ở đâu khi vừa qua có một loạt phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái tại một số sàn thương mại điện tử.

Về một số giải pháp đưa ra ngăn chặn các gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ trưởng đồng tình cho rằng, cần có những quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử. Đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thống để làm việc với các doanh nghiệp mạng xã hội, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bán hàng gian, hàng giả...

Nguyễn Mạnh