Bất cập: BOT “vỡ trận”, người thẩm định dự án vẫn… “vô can” (!?)

(Dân trí) - Các dự án kém hiệu quả, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân nhưng người thẩm định lại “bình an vô sự”. Quyền lợi người thẩm định được hưởng, nhưng khi có sự cố thì vô trách nhiệm, không ít dự án đã gây thiệt hại cho nhà nước mà người thẩm định lại “vô can”.

Đó là ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay (19/11) về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). 

Dày đặc “sân sau”

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, ban hành luật là đáp ứng yêu cầu thực tế của việc thúc đẩy các dự án đầu tư PPP, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, luật mới ban hành phải bãi bỏ gần 60 điều luật của Luật Đấu thầu. 

Về dự thảo Luật PPP Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa quan tâm tới việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án và cho rằng là rất cần thiết, tuy nhiên phải tính tới các thành viên của Hội đồng, ngoài quyền lợi phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên.

“Khi các dự án được thẩm duyệt kém hiệu quả do yếu tố chủ quan, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước và nhân dân thì người thẩm định lại “bình an vô sự”. Quyền lợi thì được hưởng, khi có sự cố thì không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu hội đồng. Thực tế đã không ít những dự án đã gây thiệt hại cho nhà nước mà người thẩm định lại vô can.” - ông Hòa nêu quan điểm. 

Bất cập: BOT “vỡ trận”, người thẩm định dự án vẫn… “vô can” (!?) - 1
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu này đề nghị làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án trong đó cân nhắc trường hợp Hội đồng thẩm định thuê hay để cho cơ quan quản lý Nhà nước thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của Hội đồng. Các dự án không nhất thiết phải thuê tư vấn để hỗ trợ để làm tăng chi phí thẩm định vì đã có Hội đồng thẩm định.

Về lựa chọn nhà đầu tư đấu thầu, chỉ định thầu, giao thầu, phương pháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng các dự án có hiệu quả hay không thì công tác lựa chọn nhà đầu tư là “tối quan trọng”, bằng nhiều biện pháp và luật pháp cho phép.

“Thực tiễn, các dự án mà cấp thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính về quyết định của mình, chỉ định thầu, đấu thầu là hình thức thẩm định nhà đầu tư có nguồn lực hay không, cho nên việc công khai, minh bạch, công tâm, không sân sau, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật.” - ông Hòa nói. 

Công trình vừa bàn giao đã “hết hạn” (!?)

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), đầu tư PPP là phương thức phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, PPP bắt đầu từ năm 1997, đã có 336 dự án, huy động được trên 1,6 triệu tỷ đồng, nhờ đó tạo động lực phát triển, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, đã có những bài học đắt giá trong công tác lựa chọn, lập, thẩm định, triển khai xây dựng, thu phí, bàn giao dự án PPP; thực hiện chưa bài bản, chặt chẽ, chuyên nghiệp mà còn nóng vội, tùy tiện, từ đó nảy sinh thêm vô vàn hệ lụy, không loại trừ có cả lợi ích nhóm, có tiêu cực.

Bất cập: BOT “vỡ trận”, người thẩm định dự án vẫn… “vô can” (!?) - 2
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

“Hầu hết các dự án PPP đã làm là chỉ định thầu. Có địa phương cho nhà đầu tư lập quy hoạch rồi chính nhà đầu tư đó tham gia vào việc đổi đất lấy hạ tầng. Điều này rất dễ dẫn đến bị lợi dụng. Có địa phương khoán trắng cho nhà đầu tư theo kiểu đứng ngoài cuộc hoặc mặc kệ, không biết, không hiểu” - ông Trí nói. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề cập thời gian thu phí các dự án PPP chưa được tính toán hợp lý ở nhiều khía cạnh, như dự kiến lưu lượng, cách thu, mức thu, thậm chí nguồn tiền tự có hay nhàn rỗi hay phải đi vay, tỷ lệ lãi suất, thời hạn vay, nguồn vay…

Vì vậy, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng BOT không chỉ đầu tư để xây dựng cho có công trình là xong mà còn khai thác như thế nào, “sức khỏe” công trình lúc bàn giao. Không thể để một công trình BOT xây dựng xong rồi khai thác đến kiệt quệ, đến hư hỏng là bàn giao, công trình đó đã không còn sử dụng được nữa.

“Cách đây mấy tháng có một cây cầu của một tỉnh phía Nam bị sập, mà cầu đó là của dự án BOT mới hết thời gian khai thác và vừa bàn giao cho địa phương.” - đại biểu Nguyễn Anh Trí dẫn chứng và cho rằng Luật PPP phải bao thủ phủ hết mọi công đoạn, bây giờ ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP là quá chậm, nhưng chậm còn hơn không, Luật phải đúng, hợp lí, đầy đủ.

Châu Như Quỳnh