Bảo vệ sản xuất trong nước làm gì khi doanh nghiệp, người tiêu dùng đều thiệt?
(Dân trí) - "Dư luận đặt câu hỏi, chúng ta áp dụng hàng rào ở đây làm gì khi mà người dân đang mua rẻ thì phải mua đắt, thị trường đang ổn định thì bị biến động" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo bình luận về chính sách áp thuế phòng vệ thương mại với mặt hàng thép.
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) chiều ngày 25/3, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, mặc dù việc áp thuế tự vệ để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là một biện pháp tốt.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng lo ngại, trong tình hình thực tế, nếu Việt Nam đưa ra thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng sản xuất trong nước mà không cân nhắc kỹ càng thì sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng. Trong khi đó, biện pháp này cũng không khuyến khích được sản xuất trong nước tăng được sức cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu như hiện nay.
Vì sao chúng ta lại đi bảo vệ sản xuất trong nước khi mà nếu mua nước ngoài thì sẽ rẻ hơn? - vị đại biểu băn khoăn. "Theo quan điểm của tôi, khi chúng ta đưa ra các hàng rào thương mại, các loại thuế phòng vệ thì phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm đến thị trường nhiều hơn. Chúng ta phải tận dụng tối đa những lợi ích mà hội nhập mang lại" - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Dẫn chứng về mặt hàng thép và xăng dầu, ông Bảo cho hay, trong khi giá thế giới giảm, giá thành sản xuất trong nước đắt hơn thì việc xây dựng các hàng hàng rào tự vệ đã dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
Việc áp dụng thuế phòng vệ cho sản phẩm phôi thép và thép dài gần đây là một ví dụ. Ngày 23/3, quyết định của Bộ Công Thương mới có hiệu lực thì trước đó 1 tuần đã xảy ra hiện tượng găm hàng chờ tăng giá, giá thành xây dựng tăng lên và người tiêu dùng chịu thiệt.
"Dư luận đặt câu hỏi, chúng ta áp dụng hàng rào ở đây làm gì khi mà người dân đang mua rẻ thì phải mua đắt, thị trường đang ổn định thì bị biến động" - vị đại biểu phản ánh. Trong khi công nghệ trong nước lạc hậu, giá thành sản xuất cao hơn của thế giới 50 USD thì bài toán đặt ra là có nên đặt hàng rào bả vệ sản xuất trong nước hay không?
"Quan điểm của tôi là chúng ta không nên làm như vậy. Thế giới đang chuyển sang nguồn tài nguyên tái tạo thay vì khai thác cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, nhưng ta lại đang đi bảo vệ cho chuyện này. Tôi thấy là có vấn đề!" - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhận xét.
Do đó, theo đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, khi xây dựng hàng rào thuế tự vệ và phòng vệ, cơ quan Nhà nước phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, phải cân đối quyền lợi giữa nhà sản xuất trong nước, người tiêu dùng. Phải thực sự cân nhắc một cách kỹ lưỡng, hướng tới mục đích cao nhất là người sử dụng.
Bích Diệp