"Bão tố" cuối năm, dân chơi chứng khoán lo mất Tết

Mai Chi

(Dân trí) - Những tin tức mới về Covid-19, cộng hưởng tâm lý thu tiền mặt trước Tết và hoạt động bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đã kích hoạt một đợt bán mạnh trên thị trường chứng khoán Việt ngày 8/2.

Bão tố cuối năm, dân chơi chứng khoán lo mất Tết - 1

Sắc đỏ bao trùm thị trường phiên 8/2

Chỉ còn đúng 2 phiên giao dịch nữa là thị trường chứng khoán sẽ khép lại năm âm lịch Canh Tý. VN-Index có một phiên chào tuần không mấy thuận lợi khi áp lực bán mạnh bất ngờ gia tăng và đẩy chỉ số lao dốc mạnh.

Đóng cửa phiên 8/2, VN-Index giảm mạnh 43,73 điểm tương ứng 3,88% còn 1.083,18 điểm. Trước đó trong phiên sáng, vào khoảng 11h12', VN-Index lùi xuống mức 1.075 điểm, ghi nhận thiệt hại hơn 50 điểm.

HNX-Index cũng đánh mất 3,08 điểm tương ứng 1,38% còn 220,76 điểm và UPCoM-Index mất 1,24 điểm tương ứng 1,67% còn 72,65 điểm.

Trong phiên này, chỉ số rổ VN30 giảm 42,91 điểm tương ứng 3,78% xuống 1.092,59 điểm với 27 mã giảm giá. Trong đó, nhiều cổ phiếu trụ bị bán rất mạnh và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bị đổ gục rất nhanh.

Bão tố cuối năm, dân chơi chứng khoán lo mất Tết - 2

Diễn biến của VN-Index trong phiên 8/2: Lực bắt đáy vẫn không thể tạo nên kỳ tích

TCH giảm sàn xuống 21.000 đồng; VIC giảm 6% xuống 101.000 đồng; VCB giảm 5,9% còn 94.100 đồng; VRE giảm 5,5% còn 30.900 đồng; VHM giảm 4,6% còn 94.700 đồng.

Bên cạnh đó, KDH cũng giảm 5,3%; VJC giảm 5%; CTG giảm 4,9%; STB giảm 4,9%; MSN giảm 4,5%; BVH giảm 4,3%; POW giảm 4,3%; BID giảm 4,1%; VNM giảm 3,9%; HPG giảm 3,8%; PNJ giảm 3,6%; TCB giảm 3,6%;…

Đà giảm lan rộng khiến toàn thị trường có tới 643 mã sụt giá, 44 mã giảm sàn. Bên cạnh những mã cổ phiếu lớn, đương nhiên cổ phiếu penny cũng không ngoại lệ.

Bão tố cuối năm, dân chơi chứng khoán lo mất Tết - 3

Cổ phiếu VN30 đồng loạt bị bán mạnh, nhiều mã giảm sâu

Một loạt cổ phiếu tưởng chừng đã có thể hồi phục từ đáy thì này cũng giảm sàn la liệt. FIT giảm sàn về 11.350 đồng; ITA giảm sàn về 5.600 đồng; SGT giảm sàn về 13.300 đồng;  ASM giảm sàn về 14.900 đồng; ROS giảm sàn về 3.650 đồng; HTL giảm sàn về 17.600 đồng; VIP giảm sàn về 8.190 đồng… Ngay cả KBC cũng giảm sàn về 37.200 đồng; GVR giảm sàn về 23.950 đồng.

"Sáng nay tôi không có thời gian để theo dõi thị trường, nghe tin báo thị trường sụt mạnh, tôi truy cập ứng dụng trên điện thoại thì điếng người vì tài khoản đã bay mất hơn 50 triệu đồng" - chị Lê Thanh, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư lo mất Tết do vẫn sử dụng đòn bẩy margin lớn và giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong tài khoản.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thái Hoàng (Hà Nội) cho biết, tài khoản anh nắm giữ chủ yếu là cổ phiếu trong rổ VN30 nên anh vẫn không thực hiện bán tháo khi thị trường giảm sâu do tin rằng những mã này sẽ chóng hồi phục khi thị trường tăng trở lại.

Chiều ngược lại, thị trường vẫn chứng kiến 220 mã tăng, 28 mã tăng trần. Trong số những mã ngược dòng có SBT tăng nhẹ 0,2% lên 20.550 đồng; REE tăng 0,9% lên 54.000 đồng; PDR tăng 1,5% lên 61.300 đồng.

Bão tố cuối năm, dân chơi chứng khoán lo mất Tết - 4

Khối ngoại bán ròng cực "khủng" trên 1.400 tỷ đồng trên toàn thị trường

Nguyên nhân giảm mạnh của thị trường hôm nay chủ yếu do sự lo ngại của giới đầu tư về diễn mới của dịch Covid-19 cộng hưởng với tâm lý thu tiền về trước Tết. Hơn nữa, lực bán mạnh từ phía khối nhà đầu tư ngoại cũng kích hoạt làn sóng bán ra trên thị trường chung.

Thống kê cho thấy, sau chuỗi mua ròng tuần trước, hôm nay, khối ngoại đã bán ròng mạnh trở lại với giá trị bán ròng lên tới 1.400 tỷ đồng. Riêng trên sàn HSX, khối nhà đầu tư này bán ròng mạnh với giá trị 1.423,46 tỷ đồng, tập trung tại các mã HPG (275,7 tỷ đồng), VHM (173,9 tỷ đồng), VNM (147,9 tỷ đồng), VCB (120,8 tỷ đồng), VRE (106,7 tỷ đồng) ...

Sàn UPCoM cũng bị bán ròng 7,67 tỷ đồng và tập trung ở VTP với 15,4 tỷ đồng. Điểm sáng là sàn HNX được khối ngoại mua ròng 21,25 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua mạnh là NVB (19,6 tỷ đồng), PVS (1,88 tỷ đồng), MBS (0,88 tỷ đồng)...

Nhiều khả năng đây là động thái tái cơ cấu sớm danh mục của các quỹ ETF ngoại do thị trường chỉ còn 2 ngày nữa là bước vào kỳ nghỉ dài ngày.

Một điểm đáng chú ý là ở phiên này đó là tình trạng nghẽn lệnh đã tái diễn khi khối lượng giao dịch trên thị trường tăng đột biến so với những phiên trước. Điều này cũng phản ánh cùng với lực bán mạnh thì chiều mua vào cũng rất đáng kể. Nói cách khác, tiền sẵn sàng gia nhập thị trường vẫn ở mức cao.

Một số nhà đầu tư cho biết, khi thấy giá cổ phiếu giảm sâu họ đã đặt lệnh mua nhưng không thể khớp lệnh. Điều này khiến nhà đầu tư kỳ vọng ở phiên ngày mai (9/2), thị trường sẽ khép lại năm Canh Tý với diễn biến tích cực hơn.