“Bão” thỏa thuận cổ phiếu lớn, dòng tiền bùng nổ

(Dân trí) - Hơn 17 triệu cổ phiếu FPT được thỏa thuận cùng với trên 7 triệu cổ phiếu EIB, 2 triệu cổ phiếu MSN... đã đưa tổng giá trị cổ phiếu được thỏa thuận trong phiên lên trên 1.100 tỷ đồng. Thị trường tiếp tục giảm điểm do quan ngại chiến sự Syria.

Hầu hết cổ phiếu lớn đều được thỏa thuận với mức giá cao hơn giá đóng cửa.
Hầu hết cổ phiếu lớn đều được thỏa thuận với mức giá cao hơn giá đóng cửa.

Sau nhiều phiên giao dịch với thanh khoản duy trì ở thấp, phiên 4/9/2013, dòng tiền bất ngờ được đẩy lên cao với tổng dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu trên HSX lên tới 1.743,6 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 69,3 triệu cổ phiếu, trong đó, khối lượng thỏa thuận đã lên tới hơn 30 triệu cổ phiếu (chiếm 43%) tương ứng 1.134,9 tỷ đồng (chiếm 65%), và khối lượng cổ phiếu khớp lệnh gần 39 triệu đơn vị, giá trị chỉ đạt 605,9 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù khối lượng thực hiện bằng phương thức thỏa thuận ở mức thấp hơn song giá trị vượt trội, nguyên nhân chủ yếu do các cổ phiếu được thỏa thuận trong phiên này đều là các cổ phiếu có thị giá cao.

Theo thống kê, trong phiên hôm nay, riêng khối lượng cổ phiếu FPT được thỏa thuận đã lên tới trên 17,6 triệu đơn vị, mức giá thỏa thuận 45.000 đồng/cp, cao hơn mức giá đóng cửa của mã này là 42.900 đồng/cp. Qua đó, đưa tổng giá trị thỏa thuận cổ phiếu này lên gần 794 tỷ đồng.

Không riêng FPT, một số mã chứng khoán lớn cũng được ồ ạt chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, theo đó không xác định được bên mua và bên bán.

Cụ thể, riêng EIB (cổ phiếu của Eximbank) được thỏa thuận gần 7,1 triệu đơn vị tại mức giá trần 15.500 đồng/cp trong khi giá đóng cửa của EIB là 14.300 đồng, giảm 200 đồng so mức tham chiếu. Trị giá lô thỏa thuận qua đó đẩy lên 109,8 tỷ đồng.

MSN của Ma San cũng được thỏa thuận hơn 2 triệu đơn vị tại mức tham chiếu 81.500 đồng, tổng trị giá 179 tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng cửa, thị giá của MSN chỉ đạt 81.000 đồng/cp.

Nhìn chung, các lô thỏa thuận đối với các mã bluechip trong phiên này đều được trả giá cao hơn giá thị trường và khối lượng đều ở mức cao.

Ngoài sự đột biến về giao dịch thỏa thuận, thị trường chưa cho thấy dấu hiệu đột phá nào đáng kể. VN-Index tiếp tục mất thêm 0,72 điểm tương ứng 0,15% lùi về 471,45 điểm. HNX-Index mất 0,44 điểm tương ứng 0,73% còn 60,2 điểm.

Đà giảm của các chỉ số diễn ra giữa bối cảnh những thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô trong nước được đưa ra.

Theo đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8/2013 đã lên cao nhất từ tháng 4 mặc dù vẫn chỉ ở mức 49,4 điểm, tức đã dần đến mức ổn định và điều kiện sản xuất đã được cải thiện đáng kể. 

Ngoài ra, trong ngày hôm nay, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng vừa công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2013-2014 với sự thăng hạng 5 bậc của Việt Nam lên thứ 87 trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, thông tin gây áp lực lên tâm lý các nhà đầu tư là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận được sự ủng hộ quan trọng cho kế hoạch tấn công Syria. Kế hoạch tấn công Syria thời gian qua đã gây chấn động đến thị trường tài sản toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam với quan ngại một cuộc tấn công vào Syria sẽ tạo nên bất ổn lan rộng cả vùng Trung Đông và làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực này, vốn chiếm 35% tổng lượng cung dầu toàn cầu.

Mai Chi