Báo Mỹ: "Kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục"

(Dân trí) - Trong khi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực đang gặp nhiều trở ngại vì sự tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục sau những khó khăn gần đây, tạp chí phố Wall của Mỹ nhận định.

Các nhà đầu tư quốc tế đang lạc quan hơn vào kinh tế Việt Nam
Các nhà đầu tư quốc tế đang lạc quan hơn vào kinh tế Việt Nam

Với tiêu đề “Việt Nam dường như đang giành lại vị thế”, các tác giả bài viết khẳng định, kinh tế Việt Nam đang dần tăng tốc với xuất khẩu và tăng trưởng tín dụng được cải thiện.

Trong khi đó chính phủ đang củng cố niềm tin bằng cách đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết một loạt vấn đề từng khiến tăng trưởng kinh tế xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm hồi năm ngoái.

Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Ba, trong tháng trước, doanh số bán ô tô đã tăng vọt 25% so với năm ngoái. Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay cũng tăng 14,3% so với năm ngoái, trong khi giải ngân vốn đầu tư nước ngoài – phần nhiều từ các công ty công nghệ cao – tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt 6,65 tỷ USD.

Tăng trưởng tín dụng, hiện cũng đang tăng tốc sau khi chính phủ cho ra đời một công ty quản lý tài sản để mua và cơ cấu lại các khoản nợ có vấn đề, đang đe dọa hệ thống ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đã tăng 5,15%, một sự chuyển biến mau lẹ so với mức tăng chỉ 0,3% vào cuối tháng 3 cho dù vẫn dưới mục tiêu 12% của chính phủ trong năm 2013.

Theo các tác giả, những tín hiệu tích cực trên đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 20% trong năm nay, khiến Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất châu Á, giữa lúc các thị trường lớn hơn trong khu vực như Thái Lan đã vất vả duy trì mức tăng trưởng một con số.

“Việt Nam đang cho thấy cách các thị trường được gọi là tiên phong có thể hồi phục mạnh mẽ cho dù tình hình tại các thị trường mới nổi còn ảm đạm”, bài viết nhận định. Dẫn chứng được các tác giả đưa ra đó là chỉ số MSCI các thị trường tiên phong, bao gồm 32 quốc gia trên toàn thế giới, đã tăng 14% trong năm nay, bất chấp những lo ngại về nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc và viễn cảnh Mỹ giảm dần chương trình kích thích kinh tế. Đây là những mối quan ngại đang ảnh hưởng lớn tới các thị trường mới nổi thời gian qua.

Nhìn chung toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại. GDP đã tăng 5,0% trong quý 2, cao hơn mức 4,8% cùng kỳ năm trước. Các quan chức và chuyên gia kinh tế Việt Nam đều tin rằng tăng trưởng trong thời gian tới còn cao hơn.

“Mặc dù vẫn còn là quá sớm để đưa ra con số dự báo cụ thể nào cho qúy 3, tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn trong quý này, so với hai quý trước”, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết. Chính phủ Việt Nam dự báo kinh tế tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cao hơn mức 5,03% của năm ngoái.

Ông Võ Chí Thành, lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tin rằng việc tín dụng và đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng – gần 1 tỷ USD/tháng – sẽ duy trì động lực tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm nay.

Chắc chắn rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Chính phủ hiện vẫn đang cố gắng “hà hơi tiếp sức” cho nhóm ngành nhà ở và xây dựng sau khi “bong bóng” bất động sản vỡ, góp phần không nhỏ vào tình trạng nợ xấu.

Sau nhiều tháng trì hoãn Công ty quản lý tài sản Việt Nam đã được thành lập hồi tháng 7, nhưng vẫn chưa bắt đầu mua lại nợ xấu, khiến các ngân hàng e ngại trong việc tăng cường cho vay giữa lúc nợ xấu đã chiếm khoảng 15% tổng dư nợ, theo ước tính của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng chưa có nhiều tiến triển trong việc uốn nắn một số doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần lớn. Không ít công ty thuộc nhóm này đã có những khoản vay khổng lồ trong thập kỷ qua nhằm tăng sức cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài, trong một số trường hợp, đã khiến nguồn vốn ngân hàng dành cho những doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hoạt động cao hơn bị thu hẹp. Một trong số đó là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, hay còn gọi là Vinashin, đã suýt phá sản năm 2008 với số nợ hơn 4 tỷ USD.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lo ngại rằng chính phủ đã hạ lãi suất quá nhanh. Từ đầu năm nay, ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, mỗi lần 1%. Một phái đoàn của IMF hồi tuần trước đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách tiếp tục tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm pháp sau một loạt đợt tăng giá mạnh gây bất ổn những năm gần đây.

“Nhưng bất chấp những điều này, dấu hiệu về một sự hồi phục đang tạo ra những sự lạc quan rằng, Việt nam, từng được coi là một trong những nước triển vọng tươi sáng nhất châu Á, có lẽ cuối cùng cũng đã trở lại”, bài viết khẳng định.

Công ty quản lý tài sản đang chuẩn bị giải quyết các khoản nợ xấu, trong khi chính phủ đang dần triển khai gói hỗ trợ 1,4 tỷ USD (30.000 tỷ đồng) hỗ trợ cho các khoản vay phục vụ việc xây dựng và mua nhà thu nhập thấp, có thể giúp hồi sinh ít nhất một phần thị trường bất động sản”, các tác giả dẫn lời của nhà kinh tế Michael Kokalari của công ty Maybank Kim Eng trong một bản báo cáo nghiên cứu, khẳng định.

Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư sẽ sớm tăng đầu tư vào Việt Nam. Việc chính phủ hiện đang xem xét nâng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết từ 49% lên 59%, có khả năng sẽ làm tăng hơn nữa sự quan tâm trên thị trường chứng khoán.

“Việt Nam đang chuẩn bị cho những bước đi lớn trong năm 2014”, ông Kokalari tin tưởng.

Thanh Tùng
Theo WSJ