1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bảo hộ sản xuất bột ngọt trong nước: Cách nào mới là đúng ?

Mục đích của việc kiểm soát bột ngọt nhập khẩu là giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Mặc dù đồng tình với quan điểm này, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh và sử dụng bột ngọt tại Việt Nam vẫn chưa hài lòng với quyết định áp dụng biện pháp tự vệ của Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng

Từ tháng 9/2015, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiến hành điều tra về việc áp dụng các biện pháp tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam, xuất phát từ đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam. Trên cơ sở kết luận điều tra chính thức, Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế tự vệ toàn cầu với mức bột ngọt nhập khẩu trong 4 năm kể từ năm 2016.

Mặc dù ủng hộ Bộ Công Thương về việc bảo vệ ngành sản xuất bột ngọt trong nước, một số DN kinh doanh và sử dụng bột ngọt tại Việt Nam lại không đồng tình với biện pháp của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại mà không phải điều tra chống bán phá giá.

Bảo hộ sản xuất bột ngọt trong nước: Cách nào mới là đúng ? - 1

Theo chia sẻ của một trong những DN kinh doanh bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam thì giải pháp trên của Bộ Công Thương là không hợp lý và có thể gây tổn hại với các DN đang kinh doanh lẫn DN sử dụng bột ngọt ở Việt Nam. DN này cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá toàn diện vì bột ngọt của các DN này bán cho những công ty sản xuất thực phẩm gần bằng với giá bột ngọt sản xuất trong nước. Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trong vòng 4 năm từ 2016 đến 2020 thì việc này ảnh hưởng đến giá bán của chính bản thân DN và sức mua của các đơn vị sản xuất thực phẩm.

Xem xét ở một khía cạnh khác, mức thuế suất hàng nhập khẩu vừa được giảm xuống 0% trong năm 2015 theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) thì mặt hàng nhập khẩu của DN lại phải gánh khoản thuế tự vệ thương mại, đồng nghĩa với việc DN không còn được hưởng ưu đãi do chính rào cản thương mại về thuế quan gây ra.

Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên, ngay khi có Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại của Bộ Công thương, Cơ quan thương mại của các quốc gia trong khu vực, cụ thể là Indonesia và Thái Lan đã ngay lập tức có công hàm lên tiếng phản đối việc điều tra áp thuế tự vệ toàn cầu với lý do lượng xuất khẩu bột ngọt có nguồn gốc từ Indonesia và Thái Lan đang có xu hướng giảm dần. Do đó, việc điều tra áp thuế tự vệ thương mại bị hai quốc gia nói trên cho là không hợp lý….

Những thông tin nêu trên hoàn toàn có thể kiểm chứng trong Quyết định 920/QĐ-BCT ngày 10.3.2016 về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu cho mặt hàng bột ngọt và Bản lưu hành công khai của Báo cáo cuối cùng của vụ việc. Theo đó, giá bán trung bình của bột ngọt Trung Quốc là 900 đô la Mỹ/ tấn, rẻ hơn rất nhiều so với bột ngọt trong nước và bột ngọt nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ (khoảng 1.300 – 1.400 đô la Mỹ/ tấn). Việc này gây ra thiệt hại đáng kể không chỉ đối với thị trường sản xuất bột ngọt trong nước mà nạn nhân của nó còn là các DN xuất khẩu bột ngọt nước ngoài.

Yêu cầu điều tra tự vệ thương mại “chưa hợp lý”, ngược xu thế hội nhập?

Chung quan điểm khi cho rằng biện pháp tự vệ thương mại với việc cào bằng một mức thuế tự vệ chung cho bột ngọt nhập khẩu là “chưa hợp lý", một số DN khác cũng chỉ ra rằng, hiện nay, các lý do yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của chủ đơn có nhiều điểm “thiếu cơ sở" và "mâu thuẫn”. Đồng thời các DN kiến nghị không áp dụng biện pháp tự vệ (áp dụng mức thuế tự vệ như nhau với tất cả bột ngọt nhập khẩu, bất kể từ quốc gia nào) mà thay vào đó nên điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá vì chỉ có chống bán phá giá mới giải quyết được căn nguyên vụ việc (chỉ nhắm đến hàng hóa của một hoặc một vài quốc gia cụ thể).


Một cơ sở bột ngọt giả bị phát hiện

Một cơ sở bột ngọt giả bị phát hiện

Về các lý do “chưa thoả đáng”, các DN cho biết, ví dụ như trong hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại của chủ đơn nêu lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng giảm mạnh trong năm 2013. Lợi nhuận gộp của DN, sau khi trừ các khoản chi phí quản lý, bán hàng và thuế TNDN phải nộp sẽ được lợi nhuận ròng. Theo số liệu của chủ đơn thì chi phí quản lý của nhà sản xuất này đã tăng lên trong 2013, khiến lợi nhuận gộp của Vedan, mặc dù giảm 27,9% nhưng lợi nhuận ròng lại giảm đến gần 70%. Điều này cũng dễ hiểu vì trong năm 2013, Vedan vừa mới hoàn tất nghĩa vụ bồi thường cho các hộ nông dân sau sự kiện sông Thị Vải.

Mặt khác, do ảnh hưởng từ tác động khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011 – 2014, các nhà sản xuất và nhập khẩu bột ngọt đều cố gắng giảm giá bán, thì riêng tại Việt Nam, giá bột ngọt của Vedan tăng 1,6% trong năm 2014.

Đó là chưa kể đến bột ngọt Trung Quốc đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch sau khi quốc gia này bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đến 52,27%. Bột ngọt Trung Quốc không chỉ chiếm đến 72,8% thị phần bột ngọt nhập khẩu mà còn bán với giá rẻ hơn 55% gây sức ép lên bột ngọt nội địa.

Trên đây chỉ là ba trong số các ví dụ cho thấy sự tăng nhập khẩu chính ngạch chỉ là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến ngành sản xuất bột ngọt tại thị trường Việt Nam.

Trong sân chơi hội nhập, hàng hóa nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng lên dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. DN trong nước vừa phải chuẩn bị kiến thức, nhân sự, cải tiến công nghệ kinh doanh để ra biển lớn, vừa phải tự trang bị để bảo vệ quyền lợi của chính mình tại sân nhà khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, tại hội thảo công bố kết quả điều tra nghiên cứu “Điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hoá nước ngoài?” tại Hà Nội vào tháng 10/2015, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI từng nhấn mạnh rằng “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm liên quan cần lưu ý để tránh nguy cơ các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường lạm dụng công cụ này để bảo vệ vị trí thống lĩnh của mình, gây thiệt hại tới cạnh tranh nói chung”.

Vấn đề này nên được lưu ý đặc biệt, nhất là khi biện pháp tự vệ thương mại được áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu không phân biệt nguồn gốc xuất xứ như biện pháp chống bán phá giá thì tự vệ thương mại dễ dàng bị lạm dụng để một doanh nghiệp lớn hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu có hoạt động thương mại lành mạnh.

“Chúng tôi không phủ nhận việc gia tăng bột ngọt nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đã có ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và chính chúng tôi cũng là nạn nhân bị ảnh hưởng khi doanh thu liên tục bị giảm sút trong các năm vừa qua. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp tự vệ không thoả đáng, chưa giải quyết căn nguyên vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các đơn vị sản xuất và có thể tiềm ẩn nguy cơ tăng nhập khẩu bột ngọt theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc”, một đơn vị nhập khẩu bột ngọt tại Việt Nam cho biết.

Hà Anh

Bảo hộ sản xuất bột ngọt trong nước: Cách nào mới là đúng ? - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm