1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Bão" giá vàng: Khách ôm tải tiền đi mua, cửa hàng "khóc thét" xin khất nợ!

(Dân trí) - Tuần qua, giá vàng biến động khiến các hiệu vàng lớn xoay như chong chóng là thông tin thị trường đáng chú ý nhất.

Cửa hàng xin nợ vàng vì bị khách “vét” sạch

Sáng ngày 22/7, khi giá vàng đang ở mức đỉnh thì các con phố chuyên kinh doanh vàng tại Hà Nội như: Trần Nhân Tông , Hàng Bạc,…cũng chật kín khách tới mua bán.

Bão giá vàng: Khách ôm tải tiền đi mua, cửa hàng khóc thét xin khất nợ!  - 1

"Phố vàng" sôi động những ngày giá tăng

Đáng chú ý, do lượng mua quá nhiều, nên một số cửa hàng phải nợ đến ngày hôm sau mới có vàng trả khách.

Tại một cửa hàng khác cũng trên phố Trần Nhân Tông, nhiều khách hàng mang rất nhiều USD đi đổi ra tiền VND để mua vàng.

Ngoài nhu cầu mua vàng dự trữ hoặc tranh thủ lướt sóng để kiếm lời của một bộ phận nhà đầu tư, người dân cũng đang có nhu cầu mua vàng đi du lịch nên các hàng vàng bỗng rơi vào tình cảnh “cháy” vàng.

Hết nợ vàng lại đến nợ tiền tỷ của khách

Giá vàng tăng quá cao nên tâm lý người dân đảo chiều. Từ chỗ gom mua vàng lại chuyển sang đi bán lướt sóng kiếm lời. Ngay cả những người tích trữ vàng từ lâu cũng đem ra bán hết để hưởng chênh lệch.

Bão giá vàng: Khách ôm tải tiền đi mua, cửa hàng khóc thét xin khất nợ!  - 2

Nhiều cửa hàng phải nợ vàng, thậm chí nợ tiền khách

Chính vì thế, nhiều hiệu vàng phải nợ tiền mặt đối với những khách có giao dịch lớn. Một vị khách chỉ bán khoảng 20 cây vàng, tổng giá trị giao dịch khoảng 1,08 tỷ đồng, nhưng nhân viên phải xin khất trong khoảng 30 phút để đi huy động tiền mặt.

“Số vàng này tôi đã mua cách đây khoảng 5 năm, thời điểm đó, giá vàng chỉ khoảng 36 triệu đồng/lượng. Tính ra, số tiền lãi mà tôi được hưởng khoảng hơn 300 triệu đồng”, vị khách này chia sẻ thêm.

Lương livestream 80 triệu đồng/tháng

Vụ án triệt phá kho hàng 10 nghìn m2 tại Lào Cai đã làm xôn xao những ngày qua. Sau quá trình kiểm đếm, lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát. Ngoài lực lượng chức năng, Tổng cục Quản lý thị trường còn phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong.

“Qua thời gian theo dõi, thu thập và xử lý thông tin, các kiểm soát viên của chúng tôi đã nắm bắt đầy đủ thông tin về 2 tài khoản Facebook có tên là Thảo Trần và Giày Đồng Giá thường xuyên tổ chức livestream bán hàng với quy mô lớn tại Tổng kho có địa chỉ 145 đường Hoàng Diệu, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nói và cho biết thêm, cá biệt có một số nhân viên diễn livestream được trả tới trên 80 triệu đồng/tháng.

Dân mạng săn lùng khẩu trang y tế

Trước thông tin một bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng, sau nhiều ngày Việt Nam không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều người lại đổ xô, săn lùng khẩu trang y tế trên khắp chợ mạng. 

Giá bán cho mỗi thùng khẩu trang y tế 4 lớp là 2.200.000 đồng. Theo quảng cáo, hàng nhà chị là loại đạt chuẩn, xuất đi thị trường Mỹ và Châu Âu. Thế nên, khách mua phải cọc trước tiền nếu lấy với số lượng lớn, còn không, người bán sẽ không giữ hàng.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, lượng khẩu trang trên thị trường đã dư thừa rất nhiều. Giá mua lẻ khẩu trang chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng/hộp với loại 4 lớp có kháng khuẩn.

Vì thế, người tiêu dùng không nên quá lo lắng và cũng không cần tích trữ khẩu trang số lượng lớn như trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm