"Bão" Covid-19: Doanh nghiệp điện, nước đi bán... rau
(Dân trí) - Doanh nghiệp ngành hàng không thiết yếu buộc phải thay đổi sản phẩm kinh doanh, nghiên cứu nguyên liệu mới hoặc tự phát triển đội ngũ giao hàng của chính mình để "cầm cự" trong dịch bệnh.
"Cầm cự" trong dịch bệnh
Bà Nguyễn Hồng Nhung - đại diện một doanh nghiệp ngành hàng điện, nước tại quận Tân Bình - cho biết, dịch bệnh khiến các cửa hàng của công ty phải đóng cửa kéo dài. Ngay lập tức, bà quyết định kinh doanh thêm mặt hàng rau củ để cung cấp cho người dân.
"Chúng tôi kết nối với các thương lái ở tỉnh Long An và Lâm Đồng để thu mua hàng cho nông dân và đưa về TPHCM bán. Kinh doanh thực phẩm với mục đích trang trải tiền kho bãi và lương cho người lao động chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận cao ở thời điểm này" - bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, giá bán các loại rau củ của công ty dao động ở mức từ 20.000 - 30.000 đồng/kg nên được khách hàng ủng hộ nhiệt tình.
Mỗi ngày, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn rau củ các loại. Chính vì sự thay đổi kịp thời này mà công ty đã có thêm nguồn tài chính để cầm cự trong những ngày khó khăn.
Cũng theo bà Nhung, khi TPHCM khống chế được dịch bệnh và cuộc sống trở lại bình thường, doanh nghiệp của bà sẽ ngừng bán rau củ, tiếp tục tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh hàng điện, nước.
Không chỉ doanh nghiệp ngành hàng điện, nước, mà các doanh nghiệp ngành hàng trẻ em cũng buộc phải tìm hướng đi mới cho mình trong hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng dành cho trẻ em buộc phải thu hẹp việc kinh doanh do các quy định về nhóm hàng thiết yếu mùa dịch.
Các mặt hàng như đồ chơi, ấn phẩm giải trí, văn phòng phẩm…dành cho trẻ em phải hạn chế kinh doanh hoặc không được lưu thông. Chính vì vậy, một số mặt hàng cần thiết cho trẻ em cũng bị ảnh hưởng "lây", điển hình như việc tã, bỉm không thể vận chuyển vào TPHCM và các tỉnh phía Nam là minh chứng rõ nét nhất.
Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, những khó khăn này chỉ là tạm thời và sự thay đổi linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong mùa dịch.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Phượng - Giám đốc vận hành Khối siêu thị của Con Cưng - chia sẻ, trước những thách thức từ dịch bệnh, doanh nghiệp đã triển khai mô hình "Con Cưng Express" để hỗ trợ việc giao hàng trực tiếp tới khách hàng. Việc này cũng giúp doanh nghiệp giải bài toán khan hiếm shipper như hiện nay.
"Trong khi nhu cầu về các sản phẩm như bột, cháo, tã, sữa… tăng cao thì các đơn vị giao nhận hàng hóa lại quá tải, điều này buộc chúng tôi phải chủ động thực hiện công việc giao hàng cho khách một cách nhanh nhất có thể" - ông Phượng nói.
Theo ông Phượng, việc chủ động trong khâu giao hàng cho khách cũng đã phần nào giúp doanh nghiệp vận hành ổn định, trơn tru giữa đại dịch. Do đó, khách hàng cũng dành sự yên tâm, tin tưởng hơn đối với doanh nghiệp.
Tận dụng thuê mặt bằng giá rẻ để mở rộng kinh doanh
Ông Nguyễn Việt Hòa - đại diện nhãn hàng thời trang trẻ em Yody Kids - cho biết, đại dịch Covid-19 đã mang đến những "sóng gió" thực sự với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả cán bộ nhân viên công ty đã nỗ lực để "sống chung với lũ".
Theo ông Hòa, nhiều chiến lược cấp bách đã được đưa ra trong đại dịch, điển hình như việc duy trì hoạt động tại các kho hàng ở những địa phương ít ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc chưa có các chỉ thị giãn cách xã hội.
Ông Hòa cho rằng, đại dịch chính là thời cơ tốt để doanh nghiệp mở rộng mặt bằng, nâng cấp không gian các cửa hàng do giá thành thuê thấp hơn nhiều so với bình thường.
Cũng theo ông Hòa, một số doanh nghiệp khác tại TPHCM đang âm thầm "thâu tóm" những mặt bằng có địa thế đẹp, giá rẻ để sẵn sàng cho việc trở lại và bứt phá khi hết dịch.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều doanh nghiệp ngành hàng không thiết yếu tại TPHCM đang tích cực thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn. Trong thời điểm mà mọi thứ đều "quay lưng" với doanh nghiệp thì một số công ty vẫn có sự vươn lên mạnh mẽ.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp phải thay đổi nhiều hơn để thích nghi với khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng cường công tác quản trị để vượt qua thiên tai, dịch bệnh hay biến đổi khí hậu một cách chủ động trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Tuấn nhận định, hiện nay, doanh nghiệp đang "gồng gánh" rất nhiều chi phí, nếu như Nhà nước hỗ trợ cho một phần chi phí phòng, chống dịch thì những hỗ trợ này sẽ vô cùng ý nghĩa.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, mới đây Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hàng hóa lưu thông như trong điều kiện bình thường đối với những hàng hóa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh.
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì quy định danh mục "hàng hóa thiết yếu". Nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vận chuyển những hàng hóa không nằm trong danh mục cấm sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông thuận lợi hơn.