Kiểm soát dịch và tiêm vắc xin sẽ là "lực đẩy" cho doanh nghiệp

Đại Việt

(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế, chỉ có kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đẩy nhanh tiêm vắc xin mới là yếu tố quan trọng hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong thời gian sắp tới.

Thách thức còn nhiều

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021",  TS Cấn Văn Lực - chuyên gia ngành tài chính ngân hàng - cho hay, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có điểm sáng và cả gam trầm.

Dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới có diễn biến rất phức tạp nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình. Chúng ta không bị rơi vào bối cảnh dịch bệnh phức tạp như Indonesia, Ấn Độ hay nhiều nước khác. Chính sách tiêm vắc xin Covid-19 được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai.

Kiểm soát dịch và tiêm vắc xin sẽ là lực đẩy cho doanh nghiệp - 1

Doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh (Ảnh: T.L).

"Lạm phát được kiềm chế tốt so với trước. 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 1,64% so với cùng kỳ. Theo đà này, chúng tôi dự báo cả năm nay, lạm phát bình quân ở mức khoảng 3%", TS Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo ông Lực, tỷ giá đang ổn định, lãi suất trên đà giảm tương đối tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tài chính quốc tế đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng đất nước vẫn đang đương đầu với nhiều thách thức như dịch bệnh, rủi ro về thiên tai, lũ lụt... Bên cạnh đó còn là rủi ro về "bong bóng tài sản", bất ổn tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã xây dựng kịch bản là GDP từ nay đến cuối năm có thể tăng trưởng 5,3-5,5%, lạm phát được dự báo ở mức khoảng 3%.

Cần hỗ trợ tín dụng và "khơi thông" pháp lý

Ông Nguyễn Chánh Trung, đại diện Tập đoàn Tân Long cho biết, hiện doanh nghiệp này đang áp dụng "3 tại chỗ", tuy nhiên, doanh nghiệp vấp phải một số khó khăn khi thực hiện, do một số khâu có người lao động không thuộc biên chế công ty như khâu bốc vác, vận chuyển…

Ở kênh phân phối, khi doanh nghiệp đưa hàng về các kho trung chuyển thì những nơi này có ca mắc Covid-19 nên hàng hóa bị "kẹt" lại, nhưng may mắn là doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi 40 cửa hàng nên việc lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - chia sẻ, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM đã phải đóng cửa, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn.

Hiện tại các chủ đầu tư không có nguồn thu, chủ yếu là dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư. Còn với các doanh nghiệp môi giới, họ cũng không có nguồn thu và đang phải "gồng gánh" tất cả chi phí để giữ được nhân sự.

Theo bà Hương, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng. Bà đề nghị các ngân hàng xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án. Doanh nghiệp môi giới cũng cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên, họ cũng rất cần đến vốn vay.

"Trong năm 2020, việc doanh nghiệp tiếp thu được vốn vay để trả lương rất thấp. Là một doanh nghiệp bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý phức tạp. Do đó, ngoài gói tín dụng cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thể hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý IV năm nay cũng như năm 2022", bà Hương nói.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.

Đại diện VCCI cho rằng, 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Cụ thể, năm 2020, tác động của dịch đến các doanh nghiệp khá lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Qua năm nay, tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng  sâu rộng hơn đến các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM, Long An…

"Những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa", ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, trong ngày hôm qua, Chính phủ đã có văn bản để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Điều này sẽ giúp giải tỏa tắc nghẽn hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chuyên gia tại tọa đàm đồng quan điểm rằng, chỉ có kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin mới là yếu tố quan trọng hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Đây cũng là "lực đẩy" cho các doanh nghiệp vươn lên giữa vô vàn thách thức.