1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Bão" chứng khoán Việt "thổi bay" thêm 64.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước tháo chạy, ồ ạt bán cổ phiếu thì khối nhà đầu tư nước ngoài lại bất ngờ tăng mua. Giới phân tích cho rằng, nhà đầu tư trong nước đang phản ứng một cách thái quá với những diễn biến trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

ck-giam-139c3

Tâm lý nhà đầu tư đang trở nên tiêu cực trước diễn biến bán tháo cổ phiếu quy mô toàn cầu (Ảnh minh họa)

Phiên giao dịch ngày 24/8/2015 đã trở thành ngày thứ Hai đầy đen tối đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi một lần nữa chứng kiến sự lao dốc thảm hại của cả hai chỉ số.

Theo đó, với 249 mã giảm so với 24 mã tăng, VN-Index mất thêm 29,37 điểm tương ứng 5,28% còn 526,93 điểm. Có thời điểm, chỉ số này đã lùi sâu về 523,5 điểm. Đây được cho là phiên giảm điểm mạnh thứ hai của VN-Index kể từ khi sàn HSX nâng biên độ giao dịch từ 5% lên 7% vào đầu năm 2013. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index mất 4,51 điểm tương ứng 5,81% còn 73,09 điểm với việc chỉ có 29 mã tăng trên sàn so với 205 mã giảm giá.

Riêng trong rổ VN30, điều bất ngờ là ngoại trừ mã EIB của Eximbank tăng sát giá trần thì phần lớn đều giảm kịch sàn. VNM của Vinamilk mất 6.500 đồng, MSN của Masan Group mất 4.000 đồng; BVH của Bảo Việt mất 3.200 đồng, HSG của Tôn Hoa Sen mất 2.900 đồng; VCB của Vietcombank mất 2.900 đồng…

Đóng cửa, vốn hóa thị trường của sàn thành phố Hồ Chí Minh (HSX) ghi nhận mất thêm 56.600 tỷ đồng, quy mô vốn hóa lùi về 1.021.656 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, giá trị vốn hóa sụt giảm mạnh tới 5,22%, tương ứng mức giảm tuyệt đối là 7.100 tỷ đồng. Như vậy, tổng thiệt hại tại hai sàn chứng khoán trong phiên giao dịch này lên tới gần 64.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến tiêu cực ở các thị trường chứng khoán trên thế giới trước lo ngại về việc FED nâng lãi suất và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh phiên đầu tuần. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2007 với mức giảm lên đến -8,49%; các chỉ số chứng khoán khác như S&P’s 500 của Mỹ, DAX của Đức lần lượt giảm -3,1% và -2,7% trong khi chứng khoán Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc lần lượt giảm -4,6%; -7,5% và -2,5%. Ngoài ra, thị trường hàng hóa, tiền tệ cũng đã đồng loạt giảm mạnh.

BVSC cho rằng diễn biến giảm sâu trên TTCK Việt Nam có một phần nguyên nhân đến từ phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong nước trước lo ngại về diễn biến TTCK toàn cầu. Cùng chung quan điểm, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định, nhà đầu tư đang có diễn biến bi quan thái quá. Ngoài ra, theo Bản Việt, tâm lý lo lắng tại thị trường Mỹ sẽ gây áp lực lên các tài sản nhiều rủi ro, đăc biệt là các quỹ ETF của thị trường mới nổi, vì nhà đầu tư đang hướng tới những khoản đầu tư an toàn hơn. Hiện hai quỹ ETF lớn tại Việt Nam là Van Eck và db FTSE đang giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản ròng.

Trong phiên giảm này, có nhiều nhận định lực bán phần lớn đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trước áp lực giải chấp của các công ty chứng khoán, những nhà đầu tư nhỏ đã quyết định thoát hàng.

Trong khi đó, sau chuỗi bán ròng liên tục, phiên này, khối nhà đầu tư nước ngoài lại có động thái mua ròng trở lại. Khối lượng mua ròng của khối ngoại trên HSX toàn phiên ở mức 7,3 triệu cổ phiếu (104,2 tỷ đồng), tập trung tại HQC, HPG, IDI, BID, CTG…Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng tới 6,3 triệu cổ phiếu (81,57 tỷ đồng), chủ yếu là các mã CEO, TIG, PVS, SHB…

Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao, lên tới hơn 3.800 tỷ đồng trên cả hai sàn, cho thấy song song với lực bán mạnh thì vẫn có một lực mua vào khá lớn.

BVSC đánh giá, việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng cho thấy vùng giá hiện tại có thể đã bắt đầu hấp dẫn trở lại. Theo đó, những nhà đầu tư đang nắm nhiều tiền mặt có thể mua vào, gia tăng tỷ trọng, tuy nhiên, với những nhà đầu tư có quan điểm đầu tư thận trọng vẫn nên chờ đợi thị trường có dấu hiệu tích cực hơn về điểm số và thanh khoản. Việc nâng tỷ trọng lên mức cao hay sử dụng công cụ đòn bẩy không được khuyến khích và nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các mã có nền tàng cơ bản tốt, không bị ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực của tỷ giá và đã giảm sâu tương đối.

Còn theo khuyến nghị của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), nhà đầu tư ưu mạo hiểm có thể xem xét giải ngân thăm dò, trong khi đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao nên bình tĩnh chờ bán ở nhịp hồi của thị trường nhằm hạn chế sự bất lợi về giá.

Mặc dù cho rằng thị trường vẫn có khả năng xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật, song theo Bản Việt, xu hướng giảm giá vẫn còn đang rất mạnh và các nhà đầu tư cần hạn chế tham gia bắt đáy ở những phiên tiếp theo.

Mai Chi

"Bão" chứng khoán Việt "thổi bay" thêm 64.000 tỷ đồng - 2