Bảng xếp hạng Forbes 2021: Cứ 17 giờ thế giới lại có "gần" 1 tỷ phú mới

Kim Dung

(Dân trí) - Bất chấp đại dịch Covid-19, số tỷ phú thế giới theo xếp hạng của Forbes trong năm 2021 vẫn tăng chóng mặt, tổng tài sản tăng 5.000 tỷ USD. Cứ 17 giờ, thế giới lại có "gần" một tỷ phú USD xuất hiện.

Bảng xếp hạng Forbes 2021: Cứ 17 giờ thế giới lại có gần 1 tỷ phú mới - 1

Từ trái qua phải: Elon Musk, Kate Wang, Jeff Bezos và Aliko Dangote (Ảnh: Getty Images, Forbes).

Covid-19 tiếp tục hoành hành nhưng 2021 lại là một năm kỷ lục của nhóm tỷ phú thế giới khi ghi nhận tổng tài sản ròng tăng 5.000 tỷ USD và số tỷ phú mới nhiều chưa từng thấy.

2021 là một năm không giống như những năm khác, không phải vì đại dịch Covid-19 mà đó là bởi thế giới chứng kiến làn sóng chào bán cổ phiếu ra công chúng nhanh như vũ bão, tiền điện tử tăng vọt và giá cổ phiếu tăng "phi mã".

Số lượng tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới lần thứ 35 của Forbes cũng vì thế tăng chưa từng thấy, là 2.755 người, tăng 660 người so với một năm trước. Tổng tài sản của nhóm này hiện là 13.100 tỷ USD, tăng từ mức 8.000 tỷ so với danh sách của năm 2020.

Bảng xếp hạng Forbes 2021: Cứ 17 giờ thế giới lại có gần 1 tỷ phú mới - 2

Đặc biệt, số tỷ phú mới xuất hiện năm nay ở mức kỷ lục 493 người, tức là cứ 17 giờ lại có gần một tỷ phú mới xuất hiện.

Trong đó, số tỷ phú mới đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là 210 người và từ Mỹ là 98 người. Người giàu nhất với tài sản ròng đạt 38,2 tỷ USD là Miriam Adelson ở Nevada, vốn là người thừa kế đế chế sòng bạc của chồng là Sheldon Adelson (ông Adelson qua đời hồi tháng 1).

Những cái tên mới nổi đáng chú ý khác là nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình Tyler Perry, đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò Bumble và cũng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới Whitney Wolfe Herd và nhà sáng lập công ty thanh toán Checkout.com Guillaume Pousaz.

Ngoài ra, 250 người từng rơi khỏi danh sách tỷ phú trong quá khứ cũng quay trở lại danh sách của năm nay.

Nhìn chung, có tới 86% số tỷ phú giàu hơn một năm trước.

Người giàu nhất có 177 tỷ USD

Jeff Bezos tiếp tục là người giàu nhất thế giới trong năm thứ tư liên tiếp, với tài sản ròng đạt 177 tỷ USD, tăng 64 tỷ USD so với một năm trước, chủ yếu nhờ cổ phiếu Amazon tăng mạnh.

Ghi nhận tài sản ròng tăng mạnh nhất thế giới (tính theo USD), Elon Musk tiến lên chiếm vị trí thứ 2 với khối tài sản 151 tỷ USD. Năm 2020, Musk chỉ giữ vị trí thứ 31 với tổng tài sản là 24,6 tỷ USD. Cổ phiếu Tesla tăng vọt 705% đã giúp tài sản ròng của ông tăng 126,4 tỷ USD.

Bảng xếp hạng Forbes 2021: Cứ 17 giờ thế giới lại có gần 1 tỷ phú mới - 3

Nguồn: Forbes.

Đứng ở vị trí thứ 3 là tài phiệt Bernard Arnault. Tài sản ròng của ông gần gấp đôi so với năm ngoái lên 150 tỷ USD nhờ cổ phiếu LVMH, chủ sở hữu của các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Christian Dior, tăng 86%.

Nhóm 10 người giàu nhất thế giới ghi nhận tổng tài sản ròng đạt 1.150 tỷ USD, tăng từ mức 686 tỷ USD của một năm trước.

Thêm 3 tỷ phú có trên 100 tỷ USD 

Năm nay, có 4 tỷ phú có tài sản ròng từ 100 tỷ USD trở lên, gồm Jeff Bezos, Elon Musk, Bernard Arnault và Bill Gates, trong khi năm ngoái có duy nhất ông Bezos. Ông Gates đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách tỷ phú của Forbes với tài sản ròng đạt 124 tỷ USD, nhờ cổ phiếu Microsoft, Canadian National Railway và Deere & Company mà ông nắm giữ đều tăng giá mạnh.

Bảng xếp hạng Forbes 2021: Cứ 17 giờ thế giới lại có gần 1 tỷ phú mới - 4

Nguồn: Forbes.

Sau Gates là nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg với 97 tỷ USD. Tài sản ròng của Zuckerberg tăng 42,3 tỷ USD so với năm ngoái nhờ cổ phiếu Facebook tăng 80% trong năm 2020 khi nhu cầu sử dụng các mạng xã hội để giữ liên lạc trong đại dịch Covid-19 lên cao.

Với tổng tài sản tăng 28,5 tỷ USD, Warren Buffett là người giàu thứ 6 với 96 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên kể từ 1993 huyền thoại đầu tư này không xuất hiện trong tốp 5 người giàu nhất thế giới.

Nước nào nhiều tỷ phú nhất?

Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất, với 724 người (tăng từ mức 614 của năm ngoái) và tổng tài sản ròng đạt 4,4 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc đang thu dần khoảng cách với 698 người, gồm 71 người ở Hồng Kông (Trung Quốc) và 1 ở Macau (Trung Quốc). Ấn Độ là quốc gia có số tỷ phú cao thứ 3 thế giới với 140 người. Nhìn chung, có 1.149 tỷ phú đến từ các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương với tổng tài sản ròng đạt 4.700 tỷ USD.

Năm nay, số lượng tỷ phú tự thân đạt kỷ lục là 1.975 người, chiếm 72% tổng danh sách của Forbes. Đây là một sự thay đổi rõ rệt so với năm 2001 khi số tỷ phú tự thân mới chiếm 49%.

Bảng xếp hạng Forbes 2021: Cứ 17 giờ thế giới lại có gần 1 tỷ phú mới - 5

Nguồn: Forbes.

Tỷ phú trẻ nhất sinh năm 2003, già nhất sinh năm 1922

Trong danh sách của năm 2021 có 105 tỷ phú ở độ tuổi dưới 40. 2/3 trong số đó là tỷ phú tự thân. Tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất là Austin Russell, 26 tuổi, từng bỏ học Stanford để thành lập công ty cảm biến tự động Luminar Technologies. Tài sản ròng của Russell là 2,4 tỷ USD và anh xếp thứ 1.299.

Tỷ phú trẻ nhất mới xuất hiện là Kevin David Lehmann, 18 tuổi, ở Đức. Cha của Lehmann đã chuyển nhượng cổ phần của mình tại chuỗi cửa hàng thuốc dm-drogerie mkt cho con trai. Số cổ phần đó giúp Lehmann sở hữu khối tài sản ròng 3,3 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ phú lớn tuổi nhất thế giới là tài phiệt trong ngành bảo hiểm ở Mỹ, George Joseph, 99 tuổi.

Mukesh Ambani của Ấn Độ trở thành người giàu nhất châu Á và đứng thứ 10 trong danh sách của Forbes, với tài sản ròng đạt 84,5 tỷ USD. Người giàu nhất châu Á của năm 2020 là Jack Ma lại rơi xuống vị trí thứ 26 dù tài sản ròng của ông tăng gần 10 tỷ USD lên 48,4 tỷ USD.

Người ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về tài sản ròng năm nay đến từ Trung Quốc, là Zhong Shanshan, người quyết định niêm yết công ty nước đóng chai Nongfu Spring của mình trên Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong vào năm ngoái. Giá cổ phiếu tăng vọt sau đó đã giúp tài sản ròng của Shanshan tăng 3.345% lên 68,9 tỷ USD.

Những tỷ phú "tiền điện tử"

Trong số 493 tỷ phú mới của năm nay, một số nổi lên nhờ tiền điện tử, SPAC (các công ty mua lại với mục đích đặc biệt), chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu và dịch vụ y tế liên quan tới dịch Covid-19.

61 người từng xuất hiện trong danh sách của năm 2020 không còn là tỷ phú vào năm nay. Đây là con số ít nhất trong một thập kỷ qua. Trong đó có những cái tên đáng chú ý như Kylie Jenner, doanh nhân trong lĩnh vực trang điểm và là một thành viên của gia đình Kardashin, và Jim Justice, Thống đốc của West Virginia.

23 tỷ phú đã qua đời kể từ giữa tháng 3/2020, như Benjamin de Rothschild của Thụy Sĩ, tài phiệt ngành ngân hàng của Brazil Joseph Safra và ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson. Ngày 27/3, sau khi Forbes hoàn thành danh sách những người giàu nhất 2021, tỷ phú người Séc Petr Kellner cũng qua đời vì tai nạn trực thăng ở Alaska. Khối tài sản trị giá 17,5 tỷ USD của ông có thể sẽ được chuyển sang cho vợ và con ông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm