Forbes: Điều không tưởng ở Việt Nam trong thời đại dịch

(Dân trí) - Giá thuê văn phòng tăng vào năm 2020? Tăng trưởng GDP khả quan ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe toàn cầu? Đó là "điều không tưởng" với nhiều nước, trừ Việt Nam.

Forbes đã đưa ra đánh giá như vậy trong bài viết mới nhất về thị trường bất động sản Việt Nam.

Forbes: Điều không tưởng ở Việt Nam trong thời đại dịch - 1

Theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ ở TP.HCM đã tăng kinh ngạc đến 90% trong vòng 3 năm từ 2017-2020 (Ảnh: Getty).

Theo Forbes, các kỳ tích của Việt Nam trong năm qua là rất đáng chú ý khi tình hình kinh tế và sức khỏe hiện tại trên toàn thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Việt Nam đã có thành tích đáng kinh ngạc khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Với 96 triệu dân, Việt Nam chỉ ghi nhận 2.631 ca nhiễm và 35 người tử vong.

Trong thời kỳ đó, Việt Nam đã vượt qua các đối thủ kinh tế ở châu Á với mức tăng trưởng GDP 2,9%. Forbes cho rằng, đây là một kỳ tích bởi trong năm 2020 GDP của các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia đều giảm với lần lượt là 6,1% và 5,6%. 

Kinh tế tăng trưởng đã thúc đẩy giá bất động sản tại Việt Nam tiếp tục tăng cao, trong đó dẫn đầu là bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở.

Theo Forbes, trong năm qua, bất động sản công nghiệp là "ngôi sao" của thị trường bất động sản Việt Nam nhờ được hưởng lợi từ sự bùng nổ về sản xuất. Trong những năm gần đây, các công ty như Nike, Adidas, Samsung đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ chi phí rẻ hơn.

Thị trường nhà ở Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có trong những năm gần đây. Nhu cầu căn hộ tăng mạnh vượt cả nguồn cung. Nhiều dự án đã bán sạch hàng ngay sau khi mở bán.

Theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ ở TP.HCM đã tăng kinh ngạc đến 90% trong vòng 3 năm từ 2017 đến 2020, trong đó chỉ riêng năm 2020 là tăng 12,8%. Phần lớn tăng trưởng này đến từ người dân Việt Nam (do quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ trong các dự án mới).

Do đó, đời sống kinh tế đất nước được nâng cao cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là những động lực chính thúc đẩy nhu cầu thị trường nhà đất phát triển. Mặc dù vậy, đã có vài dấu hiệu cho thấy sự suy giảm này có thể sớm xảy ra.

Theo Forbes, thị trường văn phòng trên khắp thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Các thành phố như Bangkok, Singapore, Hồng Kông đều chứng kiến sự sụt giảm về giá thuê văn phòng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy giá thuê văn phòng tại TP.HCM tăng 1,7% trong năm 2020, theo Cushman & Wakefield.

Forbes: Điều không tưởng ở Việt Nam trong thời đại dịch - 2

Việt Nam vẫn là điểm nghỉ dưỡng ưa thích của người nước ngoài (Ảnh: Getty).

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, cũng như phần còn lại của thế giới, năm 2020 là năm khó khăn của thị trường khách sạn Việt Nam với công suất cho thuê chỉ dao động từ 20-30% trong hầu hết năm. Mặc dù sự phục hồi được dự đoán sẽ chậm song triển vọng vẫn mạnh mẽ do ngành du lịch của Việt Nam đang trên đà bùng nổ trước đại dịch. Việt Nam vẫn là điểm nghỉ dưỡng ưa thích của người nước ngoài.

Việt Nam cũng được kỳ vọng là điểm đến thuận lợi cho đầu tư trong tương lai. Sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức đã đưa đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam tăng 75% trong giai đoạn từ 2014-2019.

Forbes cho rằng, với việc chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021, thị trường bất động sản sẽ bắt kịp xu hướng của nền kinh tế trong tương lai.