Bán vốn cổ phần, Nhà nước thu về 73 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho biết, 6 năm qua từ 2011 đến 2015, cả nước đã cổ phần hoá được 499 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), số vốn thu về đạt 36.537 tỷ đồng, tính bình quân, bán vốn tại mỗi DN, Nhà nước chỉ thu về hơn 73 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” của Kiểm toán Nhà nước mới công bố, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp (DN), đạt 96% kế hoạch (499/518 DN); số vốn Nhà nước tại các DN theo giá trị sổ sách đã được thoái 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách.


Doanh nghiệp Nhà nước bán vốn, cổ phần hóa trung bình 73 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp

Doanh nghiệp Nhà nước bán vốn, cổ phần hóa trung bình 73 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp

Điều đáng nói là giá trị sổ sách các DN chỉ là 52 tỷ đồng, giá bán thực tế đã tăng lên 21 tỷ đồng mỗi DN khi thực hiện bán cổ phần Nhà nước chi phối. Điều này được cho là có liên quan đến các tài sản ngoài DNNN như quyền sử dụng, cho thuê đất đai, một trong những hạng mục có giá trị lớn tại các DNNN.

Theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các DNNN sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và cải thiện thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC chậm; hiệu quả SXKD tại một số doanh nghiệp chưa cao... Nguyên nhân do việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án của các cơ quan có thẩm quyền và các DN còn nhiều hạn chế.

Kiểm toán Nhà nước đặt nghi ngại về chuyện thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hoá. Vì vậy, cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước nhằm ngăn ngừa thất thoát tài chính, tài sản công.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cần sớm ban hành, sửa đổi các quy định về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, tiêu chí phân loại DNNN.

Theo Kiểm toán Nhà nước, cần sớm thực hiện cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm, thuê viên chức quản lý trong DN; xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành, giới chuyên gia. Theo quy định nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại DNNN cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho DN và không được bán cổ phiếu trong vòng 3 năm. Nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.

Đồng thời, trong năm 2016, Bộ KH&ĐT cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng, nghiên cứu phương án để thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của cơ quan này là tách vai trò chủ sở hữu vốn Nhà nước (đang nằm trong tay các Bộ, ban ngành) ra khỏi vai trò người quản lý vốn (nhà đầu tư), nhằm nâng cao tính hiệu quả của sử dụng vốn, thường được gọi là Uỷ ban, siêu bộ quản lý khối tài sản hàng triệu tỷ đồng của các DNNN.

Hiện, nhiều tài sản của các DNNN nằm ngoài sổ sách như đất đai mua thêm, hoặc đất đai sở hữu trong quá trình hoạt động chưa được ghi nhận vào tài sản DN. Tài sản đất đai hiện được coi là khối tài sản lớn bởi những DNNN đều là con cưng của các bộ ngành, tập đoàn Nhà nước nên nhiều DN đứng ở những nơi đất vàng hay địa thế tốt, có giá trị.

Nguyễn Tuyền