Bán thuốc tim mạch có chất ung thư, 4 công ty dược bị nhà đầu tư “quay lưng”

(Dân trí) - Sau thông tin gây sốc về việc ngừng sử dụng 23 loại thuốc chứa thành phần valsartan (có nguy cơ ung thư) nhập từ Trung Quốc, có 4 công ty dược niêm yết nằm trong diện phải thu hồi thuốc đã bị nhà đầu tư quay lưng: Mã thì giảm giá, mã “chết thanh khoản”.

Một thông tin gây sốc vừa được công bố đó là việc Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị ngừng sử dụng 23 loại thuốc trong nước chứa thành phần valsartan (có nguy cơ ung thư) nhập từ Trung Quốc.

Có 8 doanh nghiệp bị buộc phải thu hồi tất cả các tên thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu valsartan nói trên, trong đó có 4 công ty dược niêm yết là: Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL), Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 (mã DP2), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC) và Công ty CP Pymepharco (mã PME).

Cổ phiếu của các công ty dược phải thu hồi sản phẩm thuốc chứa nguyên liệu valsartan xuất xứ Trung Quốc diễn biến bất lợi trên thị trường chứng khoán
Cổ phiếu của các công ty dược phải thu hồi sản phẩm thuốc chứa nguyên liệu valsartan xuất xứ Trung Quốc diễn biến bất lợi trên thị trường chứng khoán

Trong sáng nay (17/7), cổ phiếu của các công ty này đều diễn biến không mấy khả quan. Theo đó, PME tiếp tục giảm thêm 500 đồng (tương ứng 0,7%) còn 70.000 đồng/cổ phiếu sau khi giảm 1.800 đồng (2,5%) trong phiên hôm qua. DCL giảm 1,1% còn 13.850 đồng.

DP2 nối tiếp chuỗi ngày không có giao dịch và giá cổ phiếu vẫn dẫm chân tại 9.100 đồng. Mã này từng có phiên giảm sàn tới 14,2% vào cuối tuần trước, đang là một trong những cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017.

Tình trạng “tê liệt thanh khoản” cũng xảy ra tại DMC khi số lượng giao cổ phiếu giao dịch tại mã này rất khiêm tốn.

Trong khi đó, những cổ phiếu cùng ngành khác như LDP vẫn tăng mạnh 2.400 đồng, IMP tăng 1.300 đồng, TRA, DP3, AMV, APC, SJF… đều tăng giá.

Diễn biến các chỉ số sáng nay khá gay cấn khi mở đầu phiên mất điểm và hoạt động dưới ngưỡng tham chiếu, rung lắc mạnh. Tuy nhiên, đến cuối phiên sáng, VN-Index hồi phục 2,85 điểm tương ứng tăng 0,31% lên 913,96 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm lên 103,14 điểm.

Mặc dù có dấu hiệu hồi phục nhưng tình trạng chung trên cả hai sàn vẫn “xanh vỏ đỏ lòng” khi HSX có tới 127 mã giảm so với 116 mã tăng, còn ở HNX là 63 mã giảm và 56 mã tăng.

Thanh khoản thị trường yếu với chỉ 77,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên HSX, tổng giá trị giao dịch 1.588,8 tỷ đồng và HNX là 15,7 triệu cổ phiếu giao dịch, giá trị 213,9 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị phân hóa khi VPB, CTG, ACB, MBB, BID, TCB tăng nhưng VCB, SHB lại giảm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn là GAS giảm tới 2.200 đồng, VNM giảm 1.000 đồng, ROS giảm gần 1.000 đồng. Thị trường chủ yếu dựa vào sức kéo tại VHM (tăng 2.600 đồng), VIC (tăng 500 đồng)…

Theo nhận định của Công ty chứng khoán VBCS, khả năng xu hướng tăng giá quay trở lại trong giai đoạn này là không cao và kịch bản tích cực nhất vẫn là chỉ số sẽ vận động tích lũy với biên độ dao động giảm dần trong thời gian tới.

Theo đó, đây vẫn sẽ là thời điểm nhà đầu tư nên kiên nhẫn, tránh nóng vội giải ngân hoặc thậm chí sử dụng đòn bẩy.

“Ưu tiên hiện tại vẫn là giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao và chờ đợi thêm những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường chung, tuy nhiên nhà đầu tư cũng có thể xem xét tích lũy một số cổ phiếu có sức khỏe tài chính tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực từ nay đến cuối năm cho mục tiêu đầu tư dài hạn”, VCBS khuyến nghị.

Bích Diệp

Bán thuốc tim mạch có chất ung thư, 4 công ty dược bị nhà đầu tư “quay lưng” - 2