Bán thịt lợn hết thời lãi to

Giá thịt lợn vừa giảm, vừa ế ẩm vì người tiêu dùng giảm ăn do e ngại trước thông tin lợn nuôi siêu nạc, thịt lợn có chất cấm. Nhiều tiểu thương ngán ngẩm vì buôn bán thịt lợn đã qua thời lãi to như ngày xưa…

Buôn khó, bán lo

“Giá thịt lợn hiện nay rẻ lắm, giảm mỗi loại như thăn, mông, vai... cả chục nghìn đồng/kg ấy. Do người dân sợ thịt lợn có chất tạo nạc, có chất cấm trong chăn nuôi nên hạn chế ăn. Thịt bán ra giờ ế lắm!”, chị Nguyễn Thu Hà - một người bán thịt lợn có thâm niên ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) than thở.

Bán thịt lợn hết thời lãi to - 1

Chị Hà cho biết, giá thịt lợn thăn lúc đông chợ thì còn  bán được 90.000 đồng/kg, đến trưa vãn chợ thì hạ giá 70.000-80.000 đồng/kg cũng chả mấy ai ăn cho. Các loại thịt như ba chỉ, nạc vai, chân giò dễ bán mà nhiều lúc đến trưa chị vẫn còn cả nửa phản thịt. Các loại thịt như mông sấn, đầu rồng nhiều lúc phải giảm giá đến vài chục nghìn đồng/kg và “nịnh” mãi mới có khách mua.

“Buôn bán thịt lợn bây giờ đúng là buôn khó, bán lo. Buôn khó ở chỗ chúng tôi phải vất vả mới tìm được chỗ để lấy thịt ngon, đảm bảo tiêu chuẩn mà giờ có thịt ngon để buôn về đâu có dễ trong khi bán thì suốt ngày lo ế. Tôi giải thích với khách đây là thịt ngon, có dấu chứng nhận an toàn mỏi cả mồm mới bán nổi hàng” - chị Hà bộc bạch.

Theo chị Hà, ngày xưa ai buôn bán thịt lợn được cho là lãi bộn tiền, tha hồ làm giàu. Giờ bán thịt lợn mà ngày nào ế coi như “ăn cháo” vì thịt lợn ế đổ vào các quán cơm, quán bán bún chả chỉ “sang tiền” (hòa vốn) là may, còn đa phần chỉ có lỗ vốn.

Việc thịt lợn khó bán, ế ẩm không chỉ riêng chị Hà gặp phải mà là tình cảnh chung của nhiều tiểu thương khác tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Bà Hạnh - bán thịt lợn ở chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, chợ này giờ chỉ còn một dãy khoảng 6 hàng thịt lợn bán mà ế suốt. “Tôi đổ nhà hàng hoặc bán buôn cho những người làm hàng ăn như quán cơm, quán xôi thịt, bún chả nhiều chứ chờ bán lẻ thì “chết”. Giá thịt thấp mà người dân không ăn thịt, có người mua chỉ 1-2 lạng thì không ăn thua” - bà Hạnh nói.

Tại một số chợ, một số người ở quê buôn thịt lợn kiểu “đánh” cả con, đưa về giết mổ rồi sáng chở ra các chợ của Hà Nội bán còn đắt hàng. Bởi đa số những người này chọn được những con lợn ngon, thậm chí mua lợn nuôi quanh quẩn trong xóm. Họ biết lợn được nuôi đảm bảo nên thịt lợn đưa ra các chợ bán cũng tươi và ngon hơn và được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn. Những người buôn thịt lợn dạng này thì phần gì của con lợn cũng có để bán và cũng chỉ tầm 10-11 giờ là hết hàng và thu dọn về.

Trong khi đó, những người bán thịt lợn là “dân phố” hay dân quê ra phố trọ rồi buôn bán thịt lợn thì thường chỉ buôn quanh quẩn ở các chợ đầu mối, mỗi phần thịt của con lợn một chút, thường không đầy đủ, có khi buôn mỗi con lợn một mảnh thịt, tùy vào hàng lấy ở chợ. Những hàng thịt này bị áp lực “ế ẩm” hơn rất nhiều vì thịt bị giảm độ tươi ngon; thậm chí vô tình hay cố ý thịt lợn họ buôn về còn hôi, không ngon, và có khi trúng phải lợn siêu nạc nên rất khó bán.

Người mua cũng phải "cân não"

Quay lưng với thịt lợn, người tiêu dùng cũng chẳng sung sướng gì vì mỗi  ngày đi chợ lại đau đầu không biết ăn gì. “Ăn cũng chết không ăn cũng chết! Giờ mua thịt lợn lo ngay ngáy, có ngày hàng bán thịt ê hề mà mình phải đi 3 chợ mới mua nổi cho con vài lạng thịt lợn ba chỉ ngon”, chị Chung - giáo viên một trường mầm non cho biết.

Người tiêu dùng sợ ăn thịt lợn là do người chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng (siêu nạc). Mặc dù cơ quan chức năng, ngành chăn nuôi đang kiểm soát chặt việc sử dụng chất tăng trọng nhưng tâm lý sợ thịt lợn của người dân vẫn chưa giảm. Nhiều người đi chợ có tâm lý sợ thịt siêu nạc, nhất là thấy thịt có màu đỏ sậm, dù đã có dấu kiểm dịch nhưng khách mua vẫn e ngại.

“Để chọn thịt sạch (không có chất tăng trọng), tôi phải tìm đến những cửa hàng bán thịt lợn có uy tín vì những nơi này thường mua lợn có nguồn gốc rõ ràng”, chị Vân - công tác tại phòng thi hành án quận Thanh Xuân chia sẻ. Còn chị Hoa - nhân viên bưu điện thì cũng phải cẩn thận hơn khi chọn mua thịt lợn, với nguyên tắc không chọn những miếng thịt lợn có nạc sát da, có màu đỏ bất thường, có mùi ươn, thịt có mộng nước…

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, với thái độ của người tiêu dùng như hiện nay, ngành chăn nuôi trong nươc cần thức tỉnh, nếu không lợn nuôi có ngày không ai dám ăn. Theo ông Phú, người tiêu dùng cũng cần tẩy chay lợn siêu nạc, lợn có chất cấm để ai nuôi lợn như thế không bán được, lỗ phải bỏ cách làm ăn này. “Ngành chăn nuôi cần có hướng dẫn cho người tiêu dùng biết cách phân biệt giữa thịt có chứa chất tạo nạc và thịt sạch. Khi người tiêu dùng tẩy chay thịt có chứa chất tạo nạc thì những người làm ăn gian dối sẽ không thể gian dối” - ông Phú nhận định.

Cách nhận biết thịt lợn không bơm tẩm hóa chất

Để tránh mua phải thịt lợn tiêm thuốc ngủ, ướp hóa chất, người tiêu dùng cần nắm chắc một số đặc điểm sau:

- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.

- Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Cắt miếng thịt ra, bên trong không có màu trắng đục.

- Khi chế biến thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.

- Người tiêu dùng cũng nên mua thịt lợn ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng.

 

Theo Mai Hương
Dân Việt

Bán thịt lợn hết thời lãi to - 2