Băn khoăn cảng tỉ đô
Nếu xây cảng Lạch Huyện (vốn đầu tư ban đầu 2 tỉ USD, tương đương hơn 40.000 tỉ đồng), TP Hải Phòng sẽ không còn “lỗ mũi” nào để thở, ảnh hưởng toàn diện đến tăng trưởng kinh tế của cực phát triển này.
Thời gian qua, dư luận tỏ ra quan ngại về việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) bởi vừa không có hiệu quả kinh tế lại vừa tác động lớn đến môi trường sinh thái.
Những dấu hiệu bất thường
Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động có 2 hợp phần: Hợp phần A (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng) do Cục Hàng hải làm chủ đầu tư và hợp phần B (cầu cảng, đường bãi, thiết bị trong cảng) do liên doanh giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và đối tác Nhật Bản - Công ty Molnykit đại diện.
Hội Xây dựng trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức đầu tiên quan tâm phản biện dự án cảng Lạch Huyện. Trong quá trình tham vấn, lãnh đạo Bộ GTVT 4 lần thúc ép, thuyết phục lãnh đạo Hội Xây dựng ký công văn xác định cảng Lạch Huyện là công trình “cấp bách” (!?). Gần đây, lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam dự định tổ chức hội thảo về cảng Lạch Huyện theo đúng chức năng giám sát và phản biện nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT lại khuyến cáo “không nên làm” (!).
Theo thông lệ, các hội đồng ĐTM thường 100% đồng ý thông qua có sửa chữa và chủ đầu tư khi nộp lại báo cáo chỉ cần thông qua chủ tịch hội đồng và 2 phản biện là đủ nhưng lần này thì báo cáo chỉnh sửa phải được toàn thể hội đồng họp kỳ tới, nếu hội đồng chấp nhận thì Bộ Tài nguyên - Môi trường mới ra quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM.
Nhiều sai lầm “chết người”
Kéo theo sai lầm nói trên đáng lẽ cần nói cả về tác động kinh tế khi phải tốn kém xây dựng một loạt công trình phụ trợ cho cảng này bằng ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA (đường, công trình…). Cách làm này vẫn là để giải quyết tình thế như đã nói trên: lấp cửa Cấm thì đi cửa Nam Triệu, mất cửa Nam Triệu thì đào kênh Cái Tráp, hỏng kênh Cái Tráp thì đào kênh Hà Nam hiện nay và Lạch Huyện 20 năm nữa sẽ lặp lại bài học nói trên. Khi đó, TP Hải Phòng không còn “lỗ mũi” nào để thở và cái thế “cửa ngõ hướng biển” sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tăng trưởng kinh tế của một “cực phát triển” trong bình đồ tổ chức lãnh thổ duyên hải mang tầm chiến lược của đất nước.
Chất lượng quy hoạch cảng (dự báo lượng hàng) cũng đang là dấu hỏi lớn. Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - giai đoạn khởi động - là dự án rất lớn (hàng tỉ USD) trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế thì việc gấp rút triển khai liệu có hợp lý hay không? Trong khi đó, việc vận chuyển hàng của các công ty vận tải lớn của chúng ta trong giai đoạn này đang gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu chở hàng loại lớn bị bỏ hoang cả trong nước và nước ngoài, không có lương cho thủy thủ...
Tác động của việc nạo vét 40 triệu m3 bùn cát (kể cả thành phần kim loại nặng) đến môi trường xung quanh và phương án đổ ra biển chưa thuyết phục. Báo cáo chưa đề cập vấn đề đổ thải ở vị trí khác. Báo cáo hoàn toàn thiếu các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do dự án đối với Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu Bảo tồn biển, Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà - Long Châu, Khu Di sản Thiên nhiên thế giới Cát Bà, các bãi tắm...
Mô hình đã không tính tới bùn cát từ sông ra biển và tác động của dòng chảy sông trong đoạn sông nhân tạo mới hình thành do xây dựng cảng + đê chắn sóng + đê chắn cát cùng nạo vét sâu lòng dẫn thành luồng tàu...
Tư vấn sử dụng phần mềm IDEA (chưa được kiểm nghiệm ở Việt Nam) tính toán dòng chảy và bùn cát 3 chiều nhưng kỹ thuật tính toán chưa tiên tiến. Lưới tính theo phương ngang vuông góc không mô phỏng tốt khu vực gần bờ. Lưới tính theo phương đứng không đúng phép biến hình nên các lớp lưới cũng nằm ngang một cách cứng nhắc dẫn đến vùng sát đáy cũng như vùng sát mặt nước mô phỏng không tốt. Tài liệu cơ bản đầu vào không chuẩn xác, không đưa ra được kết quả hiệu chỉnh bộ thông số và bộ thông số mô hình đã hiệu chỉnh. Các kết quả mô phỏng sai nhiều so với các số liệu thực đo.
Phải có ý kiến của Quốc hội Theo quy định của Nghị quyết 49/2010/QH12 ngày 19-6-2010 của Quốc hội thì các dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin ý kiến chủ trương đầu tư. Để lách luật, chủ đầu tư đã tách dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện do Tổng cục Đường bộ quản lý nguồn vốn. Trong thực tế, dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là tuyến đường kết nối cảng cửa ngõ này với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là hợp phần cầu đường của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện. Do đó, tổng số vốn cho dự án cảng Lạch Huyện đã vượt trên 40.000 tỉ đồng (nếu được thực thi, chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa). Xét tiêu chí về nguồn vốn và tiêu chí tác động lớn đến môi trường sinh thái, nhất là UBND TP Hải Phòng mới trình UNESCO về đề nghị công nhận Khu Di sản Thiên nhiên thế giới Cát Bà - Long Châu thì dự án cảng Lạch Huyện bắt buộc phải xin ý kiến chủ trương về đầu tư của Quốc hội. |