Công ty tư nhân xin đổi phương án xây cảng 30.000 tỉ đồng

Thông qua đại biểu Quốc hội, một công ty tư nhân đã kiến nghị không sử dụng nguồn vốn nhà nước để xây dựng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), mà đề xuất một phương án khác được cho là hiệu quả hơn.

Công ty tư nhân xin đổi phương án xây cảng 30.000 tỉ đồng
Dự án xây dựng cảng Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, có tổng mức đầu tư khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.
 
Ở văn bản chất vấn gửi đến Thủ tướng tại kỳ họp Quốc hội thứ ba vừa qua, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ngày 15/3/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng cảng Lạch Huyện để nâng khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải tới 100.000 tấn, có tổng mức đầu tư khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.

 

Song, mới đây ông đã được đại diện của Công ty TNHH Sơn Trường giới thiệu và đề xuất một phương án khác cho cảng Lạch Huyện là xây dựng cảng nhô, đưa địa điểm làm bến ra xa bờ có độ sâu tự nhiên đủ để đón tàu trọng tải lớn như dự án đề ra và xây dựng cầu dẫn vào đất liền, như vậy sẽ tránh được việc nạo vét tới 40 triệu mét khối đất bùn khi thi công, cũng như việc khơi thông, nạo vét luồng lạch hàng năm do sa bồi lắng đọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái tại khu vực xung quanh trong đó có Đồ Sơn và Quảng Ninh.

 

Theo giới thiệu của công ty, phương án này vừa tiết kiệm được đáng kể thời gian, kinh phí lại tạo được một bến cảng hiện đại, bền vững tầm cỡ quốc tế, trong tương lai có thể mở rộng bến tùy theo nhu cầu thực tiễn một cách dễ dàng. Và, công ty cũng sẵn sàng đứng ra xây dựng đề án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Sơn Trường cũng cho biết, ngày 23/5 vừa rồi, công ty đã gửi tới Thủ tướng những kiến nghị của mình.

 

Cũng nhận được kiến nghị của Công ty TNHH Sơn Trường không sử dụng nguồn vốn nhà nước 25.200 tỷ đồng mà sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước theo hình thức BOT, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan có trách nhiệm phân bổ vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và vốn ODA cho các dự án xem xét và trả lời về kiến nghị này.

 

Tại văn bản trả lời mới đây, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết cụ thể, dự án đầu tư xây dựng cảng Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam, do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, hiện đang trong quá trình triển khai công tác thiết kế chi tiết các gói thầu của dự án.

 

Theo phương án đầu tư xây dựng cảng đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Bao gồm dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện dài khoảng 15 km với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó cầu chính vượt biển khoảng 5,4 km có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện (đê chắn sóng, đê chắn cát, nạo vét luồng lạch…) khoảng 17.161 tỷ đồng đã bao gồm tất cả các khoản dự phòng xây lắp, trượt giá, rủi ro ngoại tệ trong thời gian xây dựng khoảng 5 năm.

 

Tuy nhiên, phương án này chưa bao gồm tính toán chi phí duy tu nạo vét đảm bảo ổn định luồng hàng năm, Bộ trưởng Vinh cho biết.

 

Ông Vinh cũng nhìn nhận một số ưu điểm tại phương án do công ty Sơn Trường đề xuất. Đó là xây dựng một tuyến đường cầu dẫn khoảng 20 km từ bán đảo Cát Hải ra khu vực ngoài biển có độ sâu ổn định để thay thế cho phương án nạo vét luồng. Nếu tạm thời tính toán theo suất đầu tư như đoạn cầu nối Đình Vũ - Cát Hải, dự kiến sẽ cần lớn hơn 20.000 tỷ đồng.

 

Ưu điểm ở đây là hạn chế được việc nạo vét khối lượng lớn bùn ảnh hưởng đến môi trường, ổn định về độ sâu luồng khai thác không bị sa bồi và không cần chi phí đảm bảo duy tu hàng năm.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh băn khoăn vì đây mới là ý tưởng của công ty Sơn Trường đưa ra, mà chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng về tính khả thi của dự án.

 

Bởi vậy, Bộ trưởng đã đưa ra 4 vấn đề cần đặc biệt lưu ý với đề xuất của công ty về chi phí đầu tư, tính khả thi của dự án, khả năng khai thác và phát triển logistic.

 

Theo đó thì việc đầu tư xây dựng tuyến đường cầu dẫn vượt biển ra ngoài khơi có độ sâu phù hợp sẽ rất tốn kém do điều kiện địa chất phức tạp, không ổn định. Bên cạnh đó cần tính toán tới các yếu tố kỹ thuật chịu đựng sự tác động của bão, sóng, sụt trượt và thay đổi địa chất có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

 

Cũng theo ông Vinh thì Sơn Trường chưa tính tới kho bãi tiếp nhận hàng hóa xếp dỡ tại cảng. Hơn nữa, việc xây dựng kho bãi ngoài bến cảng xa bờ là rất khó thực hiện được, trong khi với khối lượng hàng hóa dự kiến khoảng 60 triệu tấn thông qua trong giai đoạn khởi động sẽ rất khó khăn trong công tác tiếp nhận, xếp dỡ và rút hàng khỏi bến. Đồng thời, phương án của công ty sẽ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, không phát huy được khả năng phát triển dịch vụ Logistic.

 

“Để đưa ra lời giải nhằm chọn được phương án xây dựng cảng Lạch Huyện có tính khả thi nhất, đề nghị công ty Sơn Trường làm việc cụ thể với Bộ Giao thông Vận tải để nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các đề xuất của công ty bằng những tính toán cụ thể, trong đó lưu ý những vấn đề nêu trên”, Bộ trưởng Vinh “nhắn nhủ” doanh nghiệp này.

 

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy