1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước: Thà lỗ ít còn hơn.... lỗ nhiều!

(Dân trí) - Trước tình trạng 76 DNNN muốn được lùi thời hạn cổ phần hoá sau 2015, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ không vội vàng và kiên quyết áp tiến độ, nhưng có những doanh nghiệp buộc phải bán và chấp nhận bán rẻ, lỗ ít hơn lỗ nhiều.

Bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước:Thà lỗ ít còn hơn.... lỗ nhiều!

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 26/5 (Ảnh: BD).

Trao đổi với Dân trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra trưa nay (26/5/2013), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện có một số doanh nghiệp nhà nước đang xin lùi thời hạn tái cơ cấu.

Theo thống kê từ Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó, tốc độ cổ phần hoá của doanh nghiệp nhà nước đang khá chậm. Có 76 doanh nghiệp của 23 tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ, ngành và địa phương xin lùi cổ phần hoá sau năm 2015.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Đam phân tích, trong bối cảnh tình hình kinh tế và hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc cổ phần hoá doanh nghiệp nếu vội vàng và cứ kiên quyết áp tiến độ như đã tính toán trước đây thì sẽ dẫn đến tình trạng giá bán ra của doanh nghiệp nhà nước, tức tài sản của nhà nước bị thua thiệt. 

Chính phủ đã có một Đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời cũng đã có đề án ở từng bộ phận: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. 

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ lưu ý, bên cạnh mục tiêu đổi mới doanh nghiệp thì cổ phần hoá còn có mục tiêu rất quan trọng là không để thất thoát tài sản của Nhà nước. 

Do vậy, tinh thần chung trong chỉ đạo của Chính phủ là phải hết sức khẩn trương, song chặt chẽ và không quá nóng vội để làm sao vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu nhưng không để thất thoát tài sản.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng lật lại vấn đề: Đối với một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp, mặc dù trong lúc thị trường khó khăn, tái cơ cấu ngay ở thời điểm này sẽ không được giá nhưng vẫn cần thiết phải bán. "Nếu bán bây giờ không được giá nhưng càng để càng mất giá, nên dù bán bây giờ có lỗ thì lỗ ít còn hơn lỗ nhiều" - Bộ trưởng nói. 

Qua đó, Bộ trưởng Đam cho rằng, trong lộ trình cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp cần phải hết sức linh hoạt chứ không áp đặt cứng nhắc, đồng loạt tất cả các doanh nghiệp đều như nhau. Còn tinh thần chung của Chính phủ là khẩn trương. 

Được biết, trong tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa, thoái vốn là 909 doanh nghiệp, chiếm khoảng 73%. Tuy nhiên, đến nay, trong số này mới có 5 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.

Trong 3 tháng đầu năm 2013, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước do phương quản lý chưa thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trực thuộc.

Bích Diệp